Suy dinh dưỡng vốn thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng trên thực tế, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở người cao tuổi cũng vô cùng cao do sức khỏe ở tuổi này đã yếu dần đi và các cơ quan rất khó hấp thu dinh dưỡng.
Một người được xem là suy dinh dưỡng khi cân nặng thấp hơn từ 5% – 10% so với người bình thường trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho sức khỏe bền vững của con người ở mọi lứa tuổi, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, người cao tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đặc biệt là khi có các bệnh lý khác kèm theo.
Nguy cơ người già bị suy dinh dưỡng chỉ đứng thứ 2 sau trẻ em. Ảnh: Internet
Các nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Do quá trình lão hóa, khi tuổi tác càng cao, các cơ quan trong cơ thể sẽ dần bị suy yếu và hoạt động kém hơn trước, trong đó, chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm kể, không còn hấp thu và chuyển hóa được nhiều chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể; đồng thời răng yếu đi, khứu giác và vị giác giảm cũng khiến người cao tuổi không còn cảm giác thèm ăn.
Sự cô đơn và bệnh tật khiến thể chất và tinh thần của người cao tuổi giảm sút trầm trọng, là nguyên nhân chủ yếu gây suy dinh dưỡng. Ảnh: Internet
Nếu như người cao tuổi mắc phải các bệnh liên quan đến dạ dày, tim, phổi hoặc bị ung thư… cũng sẽ đều ảnh hưởng đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, và làm suy kiệt sức khỏe của họ rất nhiều. Vào thời điểm này người cao tuổi không được người thân chăm sóc đúng cách cả về thể chất và tinh thần, dễ khiến tâm lí của họ suy sụp, và vì phải vừa đối phó với bệnh tật, nên đôi lúc việc ăn uống với họ vô cùng khó khăn.
Chúng ta luôn nghĩ suy dinh dưỡng bắt nguồn từ vấn đề dinh dưỡng và vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên đối với tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi, sẽ thật ngạc nhiên khi nó có thể xuất phát từ vấn đề tâm lí ở độ tuổi này. Tâm trạng của người già rất dễ bị ảnh hưởng bởi con cái và người thân của họ. Nên mặc dù món ăn có ngon đến mấy nhưng lại thiếu đi sự quan tâm, chia sẻ của người thân cũng khiến người cao tuổi buồn chán, cô đơn và mất đi cảm giác ngon miệng khi ăn uống, lâu dần việc ăn uống cũng không còn quan trọng đối với họ.
Biểu hiện suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Hầu hết người suy dinh dưỡng đều có thể tự phát hiện thấy mình bị gầy đi như sụt cân, cơ bắp mềm, nhũn không được rắn như trước. Tuy vậy, đối với người cao tuổi, một phần vì do tuổi tác nên thường các cơ bắp đã chảy xệ, một phần do hệ thần kinh trung ương cũng đã yếu đi nên rất khó để tự nhận biết mình có suy dinh dưỡng hay không, trong rất nhiều trường hợp, người cao tuổi không tự biết được mình bị suy dinh dưỡng. Vì vậy người thân của họ cần đặc biệt chú ý đến những biểu hiện suy dinh dưỡng sau đây để kịp thời nhận biết và điều trị cho họ.
- Kém dần sự minh mẫn, mau quên, mệt mỏi;
- Chán ăn hoặc ăn không ngon miệng và thường hay cáu gắt;
- Người đờ đẫn, lơ là với mọi người, mọi sự việc xảy ra ở xung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính với mọi người;
- Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, làm tăng độ nguy hiểm nếu đang mắc phải các bệnh lý khác;
- Di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ gặp tai nạn;
- Miệng khô, lưỡi và môi lở;
- Nhai nuốt khó khăn, hay buồn nôn;
- Đại tiện bón, lỏng bất thường.
Người cao tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý để phòng ngừa suy dinh dưỡng. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể điều trị và phòng ngừa được nếu bạn sớm nhận biết bệnh với các biểu hiện đặc trưng của nó. Ngay khi phát hiện người thân có triệu chứng của suy dinh dưỡng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn về mức độ suy dinh dưỡng chính xác, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bạn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu thực sự quan tâm đến khỏe của người lớn tuổi trong gia đình và phòng ngừa suy dinh dưỡng ở họ, bạn cần chăm sóc tốt về chế độ dinh dưỡng cũng như một đời sống tinh thần lành mạnh cho họ.
(Nguồn: Internet)