Nói về đức Phật Di Lặc chắc rằng đại đa số quí vị đều nhớ đến hình tượng của một ông Phật ngồi phạch ngực, mập, bụng to và miệng cười toe toét. Có khi quí vị thấy bên cạnh Ngài có 6 đứa con nít, đứa thì móc lỗ tai, đứa thì móc miệng, đứa thì thọc lét…
Theo sách Phật thì khi Phật Thích-Ca nhập diệt thì đức Di-Lặc cũng nhập Niết-bàn. Ngài sanh lên cung trời Đâu-Suất ở trong nội điện sống bốn ngàn tuổi.
Chữ Di Lặc là phiên âm tiếng Phạn, Tàu dịch là Từ Thị (Thị là họ, Từ là từ bi). Có thuyết nói rằng khi bà mẹ của Ngài mang thai Ngài, khởi lòng thương không nỡ giết hại chúng sanh và không ăn thịt cá được cho nên nói là “Từ”. Vì Ngài sanh nơi bà mẹ đó cho nên gọi là Từ Thị. Nhưng có thuyết lại nói khác hơn. Vì thuở xưa Ngài tu về từ bi tam-muội cho nên sau này có tên là Từ Thị. Nhưng tên Ngài là A-Dật-Đa cũng là tiếng Phạn dịch âm. Dịch theo chữ Tàu là Vô Nan Thắng (Vô là không, Nan là khó) tức là không có thể nào hơn được. Đối với Ngài về trí tuệ và hạnh tu ít người hơn được, nên có tên Vô Nan Thắng. Đó là nói về đức Phật theo thói quen của chúng ta. Nếu nói theo kinh thì gọi là Bồ tát Di Lặc. Hồi đức Phật còn tại thế, Bồ tát Di Lặc là một người có lịch sử sanh ở miền Nam Thiên Trúc, ở trong dòng Bà-La-Môn. Sau gặp Phật, Ngài xuất gia, tu theo hạnh Bồ tát.
Tết yêu thương và chia sẻ
Đức Phật Di Lặc biểu thị cho tình yêu thương, sự sẻ chia, nên cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, hầu hết các chùa đều thực hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho cộng đồng xã hội như: quan tâm đời sống của những mảnh đời khó khăn, tặng quà cho người già neo đơn, người ốm đau bệnh tật, các công nhân xa quê, quà Tết cho trẻ em nghèo,… Nhiều chuyến xe miễn phí đưa công nhân, sinh viên về quê đón Tết cùng gia đình, người thân và rất nhiều việc làm ý nghĩa nhân văn khác dành cho cộng đồng đã được tổ chức. Ngoài nghĩa cử quan tâm đến người còn sống, nhiều chùa còn thực hiện các việc làm ý nghĩa dành cho người đã khuất như: tổ chức tụng kinh cầu siêu tháng cuối năm, tạo cơ hội để nhắc nhở Phật tử, con cháu trở về chùa tụng kinh, tác phước, tạo nhiều công đức để hồi hướng phước báu cho ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ,….
Đặc biệt, vào đêm giao thừa, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi tất cả mọi người đều tề tựu bên người thân chuẩn bị đón năm mới, chúng ta lại thấy đâu đó hình ảnh Đức Phật Di Lặc hóa thân đi vào đời. Bụng lớn, miệng cười tươi, vai mang tay nải chất đầy quà, lặng lẽ đến từng con phố, làng quê đến những mảnh đời khó khăn, túng thiếu để trao tặng. Đó là những chiếc bánh tét, bánh chưng thơm nồng, những hộp mứt đậm đà hương vị ngày Tết, là phong bao lì xì, như lời chúc may mắn, an lành năm mới. Sự hóa thân của Đức Phật Di Lặc đến bên cạnh những mảnh đời khó khăn, một mặt để sẻ chia giúp đỡ, một mặt để cổ vũ, động viên, thay người thân đến bên cạnh họ trong những thời khắc quan trọng của năm mới. Đức Phật Di Lặc đến bên đời bằng những gì bình dị nhất, chân chất mà thấm đượm tình đời, tình đạo. Gọi Ngài là Tết yêu thương, Tết sẻ chia thật hoan hỷ lắm thay!
Phật đi vào đời như hoa nở muôn nơi. Mùa xuân đến, người người cũng hân hoan cung đón Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời.
Tết hoan hỷ, Tết bao dung
Khoảnh khắc đầu tiên khi nhìn vào tôn tượng Phật Di Lặc luôn làm chúng ta có cảm giác thoải mái, tươi vui, nhẹ nhàng, thư thái. Đó là lý do mà Ngài được ví von: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ. Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian”. Kết thúc một năm với nhiều buồn vui đắc thất, mang trong mình những lo toan khác nhau, mỗi người đều có những tổn thương, buồn khổ chất chứa trong tâm. Tết đến rồi, mùa xuân Di Lặc tới rồi, hãy hỷ xả bao dung để ngày xuân trọn vẹn.
Đời người, không dài cũng chẳng ngắn. Dài hay ngắn là do cách sống và hành xử của mỗi chúng ta. Sống tốt, biết yêu thương, sẻ chia và hoan hỷ, sống ý nghĩa, sống có ích đó là cuộc đời dài. Ngược lại, chất chứa buồn đau, giận hờn oan trái, dù sống thọ bao lâu thì cuộc sống đó cũng ngắn ngủi vô cùng. Đức Phật Di Lặc xuất hiện vào mùa xuân, mang biểu trưng cho hạnh từ bi hoan hỷ, buông xả bao dung. Học hạnh của Ngài để mình đón xuân sang vẹn phần tươi mới. Năm cũ qua rồi, quá khứ không quay về nữa. Những được mất hơn thua, giận hờn thương ghét cũng theo đó đi, đừng ôm ấp, tiếc nuối để làm trái tim mình đau thêm lần nữa. Đời người, ai chẳng có lúc thất bại, ai chẳng có khi thành công. Cứ cố gắng hết mình, nhiệt tâm bước tới, luôn kiên trì nhẫn nại, mọi việc cứ để tùy duyên. Xuân mới đến rồi, phát nguyện chuyển hóa bản thân, sống theo hạnh nguyện ngài Di Lặc, luôn hỷ xả bao dung, tươi cười độ lượng, so với việc ôm chặt nỗi đau, chất chứa phiền muộn, thì tâm bao dung, tha thứ, buông bỏ sẽ làm cuộc đời tươi mới như hoa, đong đầy yêu thương như nắng sớm đang về.
Đức Phật Di Lặc xuất hiện vào mùa xuân, mang biểu trưng cho hạnh từ bi hoan hỷ, buông xả bao dung.
Tết hạnh phúc
Mùng một Tết cũng là ngày khánh đản Đức Phật Di Lặc, với ý nghĩa biểu trưng cho một khởi đầu mới nhiều may mắn, tốt đẹp, hạnh phúc ấm no. Nên từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (giao thừa), người người về chùa thắp hương lễ Phật, cầu nguyện bình an hạnh phúc trong năm mới. Dù năm qua cuộc sống không thuận duyên, may mắn chưa mỉm cười, hạnh phúc không trọn vẹn. Nhưng tất cả đã là quá khứ, ngày cũ đã đi rồi. Phút giây hiện tại mới là tặng phẩm giá trị nhất mà cuộc đời dành tặng cho ta. Đức Phật từng dạy tất cả chúng ta: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống hết lòng với phút giây hiện tại”.
Sự xuất hiện của Đức Phật Di Lặc vào ngày đầu tiên của năm mới chính là cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta đã đến lúc nên khép lại những gì đã qua và hãy bắt đầu một hành trình mới nhiều niềm vui, sự thú vị và bất ngờ đang chờ phía trước. Bởi nếu sống mãi với quá khứ, chấp niệm mãi những gì đã qua, chúng ta sẽ đánh mất thời khắc mầu nhiệm của hiện tại và những tháng ngày tiếp theo, thân tâm mãi lẫn quẩn trong tiếc nuối buồn thương. Cuộc sống như vậy nào có ý nghĩa gì.
Nhân duyên đã cho ta hiện hữu, tồn tại trên cõi đời này, tại sao không tận dụng nó để sống an vui, hạnh phúc, tâm thế u uất nào có giải quyết được gì. Mỗi ngày có 24 giờ, buồn cũng vậy, vui cũng chừng ấy thời gian, nên đừng mãi đắm chìm vào những gì đã xảy ra ở quá khứ. Hãy khép lại và bắt đầu cho hành trình mới tốt đẹp hơn. Đầu năm lễ Phật nghinh xuân, tiễn năm cũ, tiễn muộn phiền đi, đón năm mới, đón niềm vui hạnh phúc về. Đó mới là tinh thần du xuân đúng nghĩa của mùa xuân Di Lặc.
Tết hy vọng
Tất cả chúng ta vừa trải qua một năm nhiều biến động, tai ương. Từng sống những ngày hồi hộp, lo sợ, bất an đến nghẹt thở. Từng nghĩ đến cảnh đói nghèo, nợ nần, túng thiếu khi dịch bệnh tràn lan, kinh tế lao dốc. Từng nghĩ đến cái chết khi nhìn thấy những câu chuyện sanh ly tử biệt và chứng kiến cảnh vô số người ngã xuống, vĩnh viễn ra đi vì dịch bệnh. Đại dịch khắp nơi trên thế giới chưa kịp khống chế, thiên tai đổ về đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của khúc ruột miền Trung Việt Nam. Nước dâng cao cuồn cuộn, đất đá sạt lỡ ầm ầm, nhà sập, tài sản bị cuốn trôi, người chết, kẻ bị thương,… tang thương phủ lấy cả bầu trời.
Phật đi vào đời như hoa nở muôn nơi. Mùa xuân đến, người người cũng hân hoan cung đón Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời.
Đó là lý do mà rất nhiều người muốn năm cũ qua mau, háo hức, đợi chờ ngày khánh đản Đức Di Lặc về để tiễn nỗi buồn đi, đón niềm vui đến. Đức Phật Di Lặc xuất hiện vào mùa xuân, vào đúng ngày mùng một Tết Nguyên đán mang đến hy vọng lớn lao về một năm mới thịnh vượng, an lạc và thành tựu. Một năm mới với niềm hy vọng lớn lao của bao người là những nhà khoa học nghiên cứu, chế tác thành công vaccine chống dịch, kinh tế ổn định trên toàn cầu, giao thương, du lịch mở cửa, bệnh tật được đẩy lùi, đời sống con người ấm no, hạnh phúc. Phật về mở cửa vô minh. Phật về gieo niềm hy vọng. Phật về hạnh phúc về theo. Nhân gian ca khúc khải hoàn đón mừng xuân mới. Mùa xuân Di Lặc lan tỏa muôn phương.
Phật đi vào đời như hoa nở muôn nơi. Mùa xuân đến, người người cũng hân hoan cung đón Đức Phật Di Lặc xuất hiện ở đời. Ngài là vị Phật biểu trưng cho sự hỷ xả bao dung, niềm hạnh phúc hy vọng, tình yêu thương sẻ chia. Đây cũng chính là ước muốn, là tâm nguyện lớn lao của bao người. Nghinh xuân hướng về Ngài, ta sẽ tiếp nhận được nguồn năng lượng tươi mới, dòng pháp lạc vô biên từ tâm nguyện Ngài dấn thân vào đời ban vui cứu khổ. Mỗi người, hãy nghinh xuân và cung đón Đức Phật Di Lặc của riêng mình, phát tâm sống theo hạnh nguyện của Ngài, nỗ lực tu học, chuyển hóa thân tâm để luôn mỉm cười hòa ái, đối đãi bao dung, yêu thương tha thứ, hỷ xả từ bi để có niềm an vui và hạnh phúc trọn vẹn. Đó chính là tinh thần đón xuân theo hạnh nguyện của mùa xuân Di Lặc.
(Nguồn: phatgiao.org.vn)