Văn hóa tâm linh là một khái niệm còn nhiều ý kiến khác nhau. mặc dù giới học thuật vẫn còn đang tranh luận, song một thực tế không phủ nhận được là trong thời gian gần đây, văn hóa tâm linh đang có chiều hướng phát triển.
Tâm linh và văn hóa tâm linh
Một số ý kiến nhận định, tâm linh là khái niệm chỉ những hiện tượng liên quan đến thế giới linh hồn của con người sau khi chết, gắn liền với những biểu hiện huyền bí, dị thường và đậm màu sắc mê tín.
Có một số ý kiến khác cho rằng, tâm linh hay văn hóa tâm linh là một phạm trù đặc biệt, bao hàm những giá trị tinh thần phong phú, cao siêu của con người, cao hơn khái niệm đời sống tinh thần. Một nhà nghiên cứu nhận định: “Trong Tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, Đạo đức, Tinh thần, Ý chí, Linh hồn v.v”.., cho rằng tâm linh là sự tồn tại siêu hình của con người…
Tâm linh chính là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người, với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Chúng ta không nên đơn giản hóa tâm linh là mê tín dị đoan, song cũng không nên “thần bí hóa” khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu, phi thường, coi đó là cứu cánh của nhân loại, của khoa học.
Tất cả những biểu hiện liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Cũng như tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống, văn hóa tâm linh cũng có những mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy cần có một cái nhìn biện chứng, khách quan để có cách ứng xử hợp lý, phát huy được mặt tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống cộng đồng.
Văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng người Việt
Văn hóa tâm linh có những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng trong đời sống của người Việt. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong mỗi gia đình.
“Con người có Tổ có Tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
Giỗ Tổ Hùng Vương – Phú Thọ. Ảnh: Internet
Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa…Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt tổ chức xây đền chùa, miếu mạo, nhà thờ, giáo đường…và thực hành các nghi lễ cầu cúng.
Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý giá, nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, kì thú trở thành những điểm du lịch hấp dẫn…Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc.
Chúng ta có thể thấy, thế giới văn hóa tâm linh của người Việt được xây dựng theo mô hình “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”. Vì vậy, nên coi đây là quan niệm xuất phát để tìm hiểu về mô hình thế giới tâm linh của người Việt.
Lễ Vía Mẹ – Điện Hòn Chén – Huế. Ảnh: Internet
Hình thành từ xã hội nguyên thủy, người Việt có tín ngưỡng bách thần “thần cây đa, ma cây gạo”, gán cho các thế lực siêu nhiên, các sự kiện chưa giải thích được là các vị thần. Thế giới thần linh bao gồm thần Sông, thần Núi, thần Biển, thần Lửa, thần Sấm Sét…và còn có cả thần Bếp, thần Tài, thần Nhân duyên…Nhân gian có người xấu người tốt nên các vị thần cũng có thần Thiện và thần Ác, có thánh thần luôn giúp người và cũng có ma quỷ chuyên hại người.
Do ảnh hưởng của xã hội phong kiến, thế giới tâm linh cũng được hình dung theo một mô hình tổ chức tương tự: trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có các vị Thần bề tôi với các cơ quan chuyên trách, giữa có thế giới người trần mắt thịt và dưới đất có Diêm Vương phụ trách việc xét xử những linh hồn của con người trần gian.
Người Việt cho rằng người xấu sau khi chết sẽ được xét xử, ai tốt sẽ được lên Thiên đường hay cõi tiên, được đầu thai, có kiếp sau sung sướng, ai xấu sẽ bị trừng phạt, kiếp sau phải chịu khổ. Và linh hồn của tiền nhân, của Tổ tiên luôn bên cạnh con cháu, chứng giám, độ trì cho con cháu.
Vì quan niệm “trần sao âm vậy” nên mới có những tục lệ như chia của cho người chết, chôn theo người chết tiền bạc, các đồ dùng, rồi nghi lễ đốt vàng mã cũng là một cách để “tiếp tế” cho người chết. Có gia đình trước mỗi bữa ăn con cháu đều cất lời mời bà ngoại mới mất về ăn cơm.
Chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa – bản anh hùng ca bát hủ. Ảnh: internet
Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống cộng đồng. Đó là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện. Các tôn giáo khác nhau về giáo lý song đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung, triết lý nhân bản.
Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn.
(Theo dantri.com.vn)