Khác với không khí lạnh buốt của miền Bắc, người dân Nam Bộ đón Tết trong tiết trời ấm áp và với nhiều phong tục cũng không giống người miền Bắc chào đón năm mới.
Tết cổ truyền của dân tộc là dịp để gia đình tụ họp, sum vầy và vui vẻ, hạnh phúc bên nhau. Trong không khí vui tươi của một mùa Xuân mới, mỗi vùng miền lại có một nét đặc trưng riêng tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn. Đối với người dân Nam Bộ, Tết cũng có thật nhiều điều thú vị.
Năm nào cũng vậy, cứ từ đầu tháng Chạp, ở Nam Bộ đã bắt đầu rộn ràng không khí Tết. Các chợ hoa, chợ Tết chuẩn bị dựng sạp. Ngày Tết, nhà nào cũng có một nhành mai, cây cảnh, mâm ngũ quả cùng các món ăn đặc trưng của vùng đất này. Nói về mâm ngũ quả, từ ngàn xưa, dân ta lấy hiếu nghĩa làm trọng, luôn gắn bó với cội nguồn dân tộc.
Hầu hết các gia đình dù giàu hay nghèo, trong ba ngày Tết đều có mâm ngũ quả trang trọng đặt trên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Người dân Nam Bộ bao đời nay có quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả vì họ cho rằng: “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, cho nên chọn năm loại trái cây, biểu trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc: “ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc. Mâm ngũ quả ngày Tết Nam Bộ thường là năm loại cây trái: “mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài”, nói lên ý nghĩa: “cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài (xoài)”.
Triết lý người xưa đã để lại cho con cháu qua mâm ngũ quả vùng Nam Bộ không đơn thuần là lời cầu chúc suông về tài lộc, mà còn nhắn nhủ khuyên răn biết ” vừa đủ” biết tiêu xài đúng lúc đúng chỗ. Đó là triết lý thâm sâu sống thực, một di sản văn hóa mang đậm bản sắc của người Nam Bộ.
Một nét độc đáo của người dân Nam Bộ vào mỗi dịp Tết mà du khách gần xa đều rất thích đó là chợ hoa xuân – đặc trưng sinh hoạt Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ.
Thường tới cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương mới đồng loạt khai trương. Chợ hoa xuân ngoài ý nghĩa như dấu hiệu đặc thù của mùa xuân Nam Bộ, còn là thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân Nam Bộ.
Người Nam Bộ quan niệm, hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn. Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nào cũng có hương sắc mai vàng trưng trong nhà. Một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm. Mai vàng có mặt ở chợ hoa xuân có mai cành và mai gốc.
Những cành mai được tỉa từ những gốc mai lớn: dày nụ, ít búp, sum suê cành nhánh. Mai gốc phần lớn là những cây mai ghép, được trồng trong những chậu kiểng và uốn tỉa rất công phu. Những chậu mai ghép khi trổ bông cho những bông hoa nhiều cánh và đa sắc: vàng, lục, cam, trắng.
Đón Tết trên mảnh đất Nam Bộ chúng ta còn thấy được sự thú vị trong món ăn. Tết Nguyên đán, trong gia đình người miền Nam, dù mâm cao cỗ đầy nhưng không thể thiếu nồi thịt kho tàu (thịt kho trứng), khác với người miền Bắc là món thịt đông. Chữ “tàu” ở đây, theo nghĩa của người miền Nam là “lạt”. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Món thịt kho tàu với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cho cả năm.
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm Tất niên cúng tổ tiên và cũng là món quà Tết truyền thống của người Việt đó là chiếc bánh làm bằng gạo nếp, nhân thịt và đậu xanh. Miền Bắc, loại bánh này gói vuông gọi là bánh Chưng, miền Nam có bánh Tét.
Bánh Tét miền Nam có hình ống dài, có nơi gọi là bánh đòn. Bánh Tét biểu trưng cho sức sống, sự trường tồn, sự hùng mạnh. Miền Bắc ăn kèm với bánh chưng là món dưa hành chua chua, cay nhẹ. Còn miền Nam, ăn kèm với bánh tét là món dưa giá, kiệu muối chua, dưa góp.
Bên cạnh những điều thú vị trên, người dân Nam Bộ xưa có có phong tục kiêng kỵ vào dịp Tết. Chẳng hạn như, sáng mùng Một, ngoài đường trước ngõ tĩnh lặng. Cãi cọ, động dao thớt, quét nhà… là những điều cấm kỵ. Không được mở cửa cho tới khi có người xông đất.
Trong nhà thì ngược lại, đám trẻ lăng xăng diện áo mới chờ chúc Tết ông bà cha mẹ để được lì xì, rồi xúm xít ăn bánh tét, dưa món, chơi lô tô, bầu cua cá cọp…Quý nhân đến xông đất đầu tiên thể hiện niềm may mắn hay xui xẻo cho gia chủ trong suốt năm, vì vậy ít ai ra khỏi nhà sớm mùng Một, trừ khi được mời.
Quá 12 giờ trưa hay nhiều khi tận sáng mùng Hai, người ta mới xuất hành để thăm họ hàng, thân tộc. Mấy ngày Tết, việc cúng kiếng rất được coi trọng, bữa cơm nào cũng cúng Tổ tiên xong mới được dùng.
Mùng Ba Tết nhà, gói bánh ít. Tục Tết nhà phải thức dậy trước canh năm, cứ ba đĩa bánh ít, ba dĩa tam sên (tôm khô, thịt luộc, trứng gà), ba đĩa mứt, ba đĩa trái cây. Chợ búa, tiệm quán tận mùng Bốn lác đác vài gánh rau, lá chuối, gà để người ta mua về làm bữa tiễn ông bà.
Ngày này, gà bán rất đắt, vì món gà tiềm không thể thiếu trong mâm cúng. Mùng Tám cúng sao hay vía trời, đồ cúng gồm cặp dừa tươi, cam, quýt và mứt, kèm ba đĩa nhỏ trà khô; người cúng phải tắm rửa thanh thoát, bày đồ ngoài trời lúc nửa đêm trời đầy sao.
Những phong tục cổ truyền của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.