Lăng tẩm Huế – Nơi an giấc ngàn thu của các vua triều Nguyễn

Triều Nguyễn (1802 – 1945), triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ mang giá trị quốc gia và quốc tế, trong đó có hệ thống lăng tẩm của các vua ở miền núi Ngự sông Hương là đặc trưng tiêu biểu.

Triều Nguyễn có đến 13 vua, nhưng vì những lý do lịch sử phức tạp khác nhau, nên hiện nay ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức (ở đây còn có mộ hai vua Thành Thái, Duy Tân), Đồng Khánh và Khải Định.

Theo quan niệm “tức vị trị lăng”, phần lớn các lăng tẩm đều được xây dựng khi nhà vua còn ở trên ngai vàng. Hầu hết nhân lực, vật lực của Nhà nước và năng lực của chính nhà vua nữa, đều được đổ ra trong nhiều năm để thực hiện.

Chủ đề tư tưởng nghệ thuật do nhà vua đưa ra, đồ án kiến trúc do vua duyệt khán và chính nhà vua cũng thường đi giám sát thi công. Điều mà các nhà kiến trúc dưới thời nhà Nguyễn phải tuân thủ triệt để trước tiên là nguyên tắc phong thủy.

Lăng tẩm nào cũng phải theo đúng những quy luật liên quan đến các thực thể địa lý tự nhiên, như sông núi, ao hồ, khe suối, và nhất là “Huyền cung” ở trung tâm điểm của mặt bằng kiến trúc phải tọa lạc đúng long mạch.

Dù lý thuyết phong thủy cổ xưa ấy được nhận định, đánh giá như thế nào, hệ quả tốt đẹp của nó cũng đã tạo ra được cho kiến trúc Huế nói chung và lăng tẩm Huế nói riêng những ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng.

Toàn cảnh lăng Vua Gia Long (Chụp từ trên cao)

Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta có cảm giác như đi chơi ở các công viên mỹ lệ giữa chốn núi rừng bao la, ở đó có thể nghe tiếng chim hót, hoa nở, suối chảy, thông reo.

Ở đây, ngoài những hình tượng cụ thể mà mọi người thưởng thức được bằng trực giác, còn có những cái trừu tượng và siêu nhân cần phải vận dụng đến tư duy mới có thể cảm thức và cảm thụ. Đó là tư tưởng xuất phát từ nhân sinh quan của một thời kỳ lịch sử.

Chúng ta phải đặt lăng tẩm Huế vào trong bối cảnh lịch sử tư tưởng các thế kỷ trước của giới trí thức nói chung và các vua nhà Nguyễn nói riêng. Theo tư duy truyền thống họ cho rằng chết chưa phải là hết.

Cho nên, lăng tẩm Huế không phải chỉ là chốn mộ địa u buồn. Bố cục mặt bằng khu lăng tẩm nào cũng chia làm hai phần chính: Phần lăng và phần tẩm. Khu vực lăng là nơi chôn thi hài nhà vua. Khu vực tẩm là chỗ xây dựng nhiều miếu, điện, lầu, gác, đình, tạ … để nhà vua lúc còn sống thỉnh thoảng rời bỏ Hoàng cung lên đây để tiêu khiển.

Toàn cảnh lăng vua Minh Mạng (Chụp từ trên cao)

Có thể xem khu vực tẩm như một hành cung hay hoàng cung thứ hai của ông vua đang tại vị. Như vậy, mỗi lăng tẩm Huế còn là một Hoàng cung của vua nhà Nguyễn ở thế giới bên kia, nơi họ trở về để sống cuộc sống muôn thuở. Vì nhận định về sự sống và cái chết như vậy, cho nên lúc sinh thời, khi còn tại vị, vua nào cũng nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm cho mình. Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt với ý nghĩa sâu sa của nó.

Có thấu hiểu thì mới giả thích được tại sao chốn âm phần lại có cả hệ thống vui chơi hưởng thụ. Bên cạnh đó, kiến trúc lăng tẩm Huế còn cho thấy một thái độ thanh thản khôn ngoan đối với cái chết tất nhiên phải đến với đời người. Lăng và tẩm có nơi chỉ gần nhau trong gang tấc.

Các vua đến vui chơi chỉ gần nhau trong gang tấc. Các vua đến vui chơi trong khu vực tẩm điện, nhìn qua cái huyệt đào sẵn ở khu vực lăng mà chẳng băn khoăn lo sợ, ngược lại, họ vẫn sống tự tại ung dung.

Thấu hiểu quy luật tự nhiên của đời người, họ vui vẻ trước cái chết và sẵn sàng chờ tử thần đến dẫn họ đi qua thế giới bên kia. Vì đó là ngôi nhà vĩnh cửu, nơi an giấc ngàn thu, cõi trường sinh bất diệt. Do vậy, kiến trúc ở đây đã thể hiện được một sự tổng hợp giữa đạo với đời, và trở thành cõi sống của những người đã chết.

Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta không hề gặp những hình ảnh gây ấn tượng chết chóc, sợ hãi, lạnh lùng như vào viếng lăng “Minh thập tam lăng” ở Trung Quốc, người ta cũng không cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, bị áp lực nặng nề và bị “dọa nạt” như khi đứng trước những Kim Tự Tháp quá đồ sộ của các Hoàng đế Ai Cập.

Trong lăng tẩm Huế, con người vẫn là chủ thể của kiến trúc và thiên nhiên. Ở đây, người ta bắt gặp những hình ảnh quen thân, gần gũi, có được cảm giác lâng lâng thích thú giữa thực và mộng.

Các lăng tẩm Huế có một chủ đề tư tưởng chung, nhưng lại mang những phong cách nghệ thuật riêng. Sự dị biết ấy có thể được nêu ra bằng những tính từ vắn gọn như sau:

– Lăng Gia Long: hoành tráng
– Lăng Minh Mạng: thâm nghiêm
– Lăng Thiệu Trị: thanh thoát
– Lăng Tự Đức: thơ mộng
– Lăng Dục Đức: đơn giản
– Lăng Đồng Khánh: xinh xắn
– Lăng Khải Định: tinh xảo

Lăng vua Khải Định, một công trình kiến trúc mang đậm nét tinh xảo của những người thợ tài hoa xưa
Tóm lại, nhờ có chủ đề tư tưởng bắt nguồn từ nhân sinh quan tổng hợp của các dòng triết học Đông Phương và nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt diệu của các nhà kiến trúc Việt Nam đương thời, lăng tẩm Huế đã trở thành những đóa hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn núi đồi xứ Huế và mang phong cách riêng biệt, độc đáo so với các loại hình kiến trúc mộ tán trên hoàn cầu. Để rồi mỗi khi nhắc đến Huế, người ta cũng không khỏi thốt lên:
Kìa núi ngự sông Hương cùng lăng tẩm
Vẫn âm thầm chờ đón các thi nhân…
(Trích từ bài “Ôi xứ Huế” của Bích Lan)
(Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.