Tết Thanh Minh là một trong những ngày lễ quan trọng với một số nước phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc…và có cả Việt Nam. Mặc dù không rộn ràng như ngày Tết Nguyên Đán nhưng người Việt Nam cũng rất coi trọng ngày tết này.
Tết Thanh Minh còn được gọi với cái tên khác là Tiết Thanh Minh hay lễ tảo mộ. Theo tiếng Hán, thanh có nghĩa trong. Còn minh có nghĩa là sáng. Ghép hai từ này lại thì ý nghĩa của từ thanh minh được hiểu đơn giản là ngày mà trời quang mây tạnh.
Tết Thanh Minh là tên gọi của ngày tiết thứ 5 trong nhị thập tứ khí tính theo lịch âm. 24 tiết khí bao gồm: Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ, Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn, Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử, Tiết Đại Thử, Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ, Tiết Thu Phân, Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết, Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn.
Với một số quốc gia phương Đông công nhận cả lịch âm và lịch dương như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…thì đây là ngày lễ đặc biệt quan trọng, không kém gì ngày tết Nguyên Đán hay rằm tháng bảy. Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng viết những câu thơ rất đẹp về ngày Tết này trong tuyệt phẩm Truyện Kiều:
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
Tết Thanh Minh có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chuyện kể rằng vua Tấn Văn Công nước Tấn bị nạn phải lưu vong. Trong quãng thời gian khổ ải đấy, Vua gặp được một vị hiền sĩ tên Giới Tử Thôi và được người này hết sức phò tá. Một hôm do lương thực cạn, để Vua có đồ ăn Giới Tử Thôi đã tự cắt thịt mình. Vua biết chuyện rất cảm động và tỏ lòng biết ơn khôn xiết.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.
Về sau Vua nhớ đến Giới Tử Thôi và muốn mời ông về để ban thưởng nhưng ông từ chối. Vua tức giận cho người đốt núi để ép ông phải lộ diện. Nhưng ông không chịu và kết cục là hai mẹ con đã chết cháy. Vua thương tiếc, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ đến Giới Tử Thôi (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm). Và cũng từ đó ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Tết Thanh Minh ở Trung Quốc và Việt Nam có gì khác?
Đây là một trong tám ngày lễ lớn trong năm của người Trung Quốc. Người Trung Quốc ngày nay vẫn có truyền thống trồng cây vào ngày này bên cạnh tảo mộ. Họ cho rằng đây là này đẹp, nên gieo trồng sự sống xanh tốt để lấy lộc. Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng đi du lịch, chơi các trò chơi và ăn các món ăn truyền thống vào ngày Thanh Minh.
Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi – bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội – hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi Tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi – bánh chay.
Tiết Thanh Minh từ đó gắn liền với đạo đức, bổn phận con người Việt. Đây là ngày giỗ tổ chung của dòng họ. Ngày này còn gắn liền với Tục tảo mộ đầu năm.
Ý nghĩa của ngày Tiết Thanh Minh
Không chỉ với người Việt thôi đâu, với nhiều quốc gia phương Đông thì Tiết Thanh Minh là dịp quan trọng để con cháu bày tỏ lòng thành kính với công lao của tổ tiên, ông bà đã khuất. Người xưa có câu “Cây có cội, sông có nguồn” để dặn dò con cháu không bao giờ được quên gốc gác, nguồn cội của mình. Đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây là bài học vỡ lòng của tất cả được các thế hệ người Việt Nam.
Tiết Thanh Minh được xem là ngày giỗ chung của tổ tiên. Với các gia đình lớn nhiều thế hệ là lúc đông vui không kém ngày tết. Con cháu họp mặt, tề tựu đông đủ, kể cho nhau nghe về những kỷ niệm ngày trước, về công lao của tổ tiên ông bà. Người lớn lo soạn sửa bàn thờ, mua đồ lễ về thắp hương. Trẻ nhỏ thì phụ giúp quét tước nhà cửa cho sáng sủa. Mọi việc trong nhà đã xong, giờ là lúc già trẻ trong nhà dẫn nhau ra khu mộ của ông bà, tổ tiên. Đây cũng là tập tục nhiều đời nay được lưu truyền lại!
Tết Thanh Minh ngày nào?
Khi những cơn mưa bụi đầu xuân đã dứt, bầu trời trong xanh, cao và sáng hơn thì cũng là lúc người ta biết ngày Tiết Thanh Minh sắp tới. Thanh Minh cách ngày Đông Chí khoảng 105 ngày và đến sau ngày Lập Xuân chừng 60 ngày. Theo quy ước, Thanh Minh bắt đầu từ ngày 4/4 hay 5/4 và kết thúc vào ngày 20/4 hay 21/4 dương lịch. Ngày lễ chính thường là ngày 5 tháng 4 dương lịch. Tính theo lịch âm thường vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Tết Thanh Minh năm 2020 vào ngày nào?
Tiết Thanh Minh 2020 với người Việt Nam vẫn là ngày lễ đặc biệt quan trọng trong năm. Hằng năm, cứ gần đến ngày này mọi gia đình lại tất bật. Dù có bận rộn cỡ nào thì con cháu cũng vẫn thu xếp công việc, trở về cố hương. Công việc chính cần phải làm đó là soạn sửa lại bàn thờ và thăm mồ mả tổ tiên. Thanh minh trời trong mát mẻ khiến cho cỏ dại mọc nhiều, cần phải dọn dẹp lại để mồ mã tổ tiên được sạch đẹp.
Ngày 5/4 tết Thanh Minh năm 2020 rơi vào chủ nhật, ngày 13/3 âm lịch. May mắn là đúng ngày cuối tuần nên mọi người có nhiều thời gian hơn để trở về nhà, thể hiện lòng thành kính với những người đã khuất.