Chào quý độc giả! Trong bài viết này xin chia sẻ với quý độc giả về câu hỏi “có nên xây mộ trước?” mà rất nhiều người quan tâm khi có ý định xây mộ cho người đang còn sống liệu có kiêng kỵ gì không?
Đó là một câu chuyện độc đáo ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Yên Lạc không chỉ “đặc sản” với việc tổ chức đám cưới chỉ 2 ngày trong tháng mà còn là nơi duy nhất ở Bắc Bộ được chính quyền địa phương dành quỹ đất và tiền xây mộ cho những người sắp mất.
Trong nghĩa địa của thị trấn không chỉ có những ngôi mộ đã mồ yên mả đẹp, khói hương nghi ngút mà bên cạnh đó còn có cả những ngôi mộ xây sẵn nằm ngay ngắn ngay lối vào. Chuyện xây mộ sẵn cho những người… đang sống quả là xưa nay hiếm. Đằng sau mỗi tấm bia mộ đều được đánh số thứ tự. Ai mất trước sẽ được chôn ở những ngôi mộ đầu, lần lượt theo hàng theo lối. Những ngôi mộ “thiếu chủ” lộ thiên, mùa mưa nước dềnh lên tạo cảm giác ớn lạnh.
Bà Dương Thị Hạnh (thị trấn Yên Lạc) chia sẻ: “Cô chú không quen nhìn chắc sẽ thấy sợ đúng không, chứ người dân chúng tôi ở đây quen quá rồi. Ở Yên Lạc, mỗi thôn sẽ có một nghĩa trang. Tại mỗi một nghĩa trang thường có khoảng 100 ngôi mộ xây sẵn. Tất cả các ngôi mộ đều có diện tích bằng nhau, chiều dài là 2 mét”.
Bà Hạnh cũng giải thích thêm: “Những ngôi mộ đó đều do chính quyền địa phương đứng ra xây. Nguồn quỹ là do các nhà hảo tâm ủng hộ. Làm như thế sẽ tiết kiệm được quỹ đất cho địa phương. Bởi vì trên thực tế nhiều nơi họ đào mộ phân tán, không tập trung nên cũng gây ảnh hưởng tới môi trường và lãng phí”.
Đồng quan điểm với bà Hạnh, ông Tâm cho biết: “Ở đây, cứ khoảng 3 năm người ta sẽ cải táng nên thời gian đầu địa phương sẽ xây 40 ngôi mộ “chờ”. Các ngôi mộ đó sẽ được đánh theo số thứ tự từ 1 đến 40. Đến thời điểm cải táng, người nào được chôn ở những ngôi mộ đầu sẽ được đưa sang một địa điểm khác. Những người mất sau đó sẽ được chôn chính vào những ngôi mộ mới được chuyển đi”.
Từ khi có quy ước này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều, hơn nữa lại rất bình đẳng. Chính vì thế, việc xây dựng mồ mả cho người đang sống được đưa vào quy định như một hương ước”.
Cũng theo quy ước của thị trấn Yên Lạc, việc cải táng chỉ được thực hiện vào 2 tháng mùa khô là tháng 9, tháng 10 và diễn ra trong các ngày mồng 2, mồng 10, 16, 22. Riêng tháng 12 chỉ được cải táng vào một ngày duy nhất là ngày mồng 2.
Hỏi ai là người khởi xướng cho ý tưởng độc đáo có một không hai này thì được bà con cho biết đó là ông Phạm Quang Tiệp, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc. Trò chuyện với phóng viên, ông Tiệp cho biết: “Sở dĩ tôi nghĩ ra ý tưởng đó là vì hằng ngày phải chứng kiến nhiều thanh niên rượu chè, say xỉn. Nhiều gia đình có đám hiếu, đám hỉ thì tổ chức rềnh rang, nhiêu khê rất tốn kém. Cứ để tình trạng đó kéo dài tôi nghĩ rất không ổn nên đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã đưa ra quy định đó. Người đồng tình rất nhiều nhưng phản đối cũng không ít. Tuy nhiên, cuối cùng cái gì có lợi thì họ sẽ làm thôi”.