Tạo hóa đã bày, đặt cho con người một nghịch lý vĩ đại mà con người từ khi xuất hiện cho đến mai sau, dù màu da gì, dân tộc nào và sống bất cứ đâu trên trái đất đều phải vượt qua. Nhưng sự thật không bao giờ vượt qua được.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy từ thời đại đồ đá cũ con người đã thực hành những nghi thức chôn cất người chết như rắc một lớp đất thổ hoàng dưới mộ, chôn người chết theo tư thế ngồi, sau này chôn theo đồ tùy táng (minh khí) rồi cắm bia, xây mộ . . . Bằng cách đó con người làm cho người chết trở thành không chết, cùng nghĩa với người sống cũng thành bất tử, tức là biến cái hữu hạn thành cái vô hạn.
Có thể nói sự chết mở ra thế giới tâm linh và đó là một tình cảm chỉ có ở con người. Không thể có ở bất kỳ loài động vật cao cấp nào. K.marx gọi đó là “tình cảm tôn giáo” không thể thiếu vắng trong cuộc sống con người. Ông viết: “nếu trong trái tim con người có một tình cảm xa lạ với tất cả số còn lại của các loài động vật, một tình cảm cứ tái sinh lại mãi, dù cho vị trí con người ở đâu, phải chăng tình cảm đó là một quy luật cơ bản của bản chất con người? Theo chúng tôi, đó là tình cảm tôn giáo”. Socrate cũng đã từng nói: “cuộc sống là chung cho mọi cây cỏ nhưng chỉ con người mới có linh hồn.
Con người sở dĩ căn bản là do có đời sống tâm linh, nghĩa là tuân theo tôn thờ những giá trị không vụ lợi, những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng và cái bí ẩn, hai yếu tố tạo thành đời sống tâm linh.” Vì thế bản chất của con người là hướng tới tâm linh và tâm linh lại là thế giới vô hình, linh thiêng mà huyền bí. Nó như là những ma lực hấp dẫn, kích thích con người hướng vào đó để giải đáp câu hỏi lớn của con người: ta là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu? mà trí tuệ của con người không thể giải thích được.
Đó là cái cội nguồn của tư duy tôn giáo: cái thể tục và cái linh thiêng, cái hiện hữu và cái không hiện hữu, cái hữu hạn và cái vô hạn . . . gắn kết với nhau như hình với bóng. Vì vậy, còn loài người là còn đức tin tôn giáo, khoa học đẩy lùi mê tín dị đoan, nhưng lại đồng hành với đức tin tôn giáo.
Hegel gọi tôn giáo là cái không cần bằng chứng; không thể chứng minh được. Khoa học là cái phải có bằng chứng để chứng minh, còn nghệ thuật chỉ là cái cớ (nói cây lá, giá cây tre). Khi con người hướng tới cái tâm linh thì con người cũng hướng tới cái thánh thiện, tới cái đẹp bởi cái thiêng là chất keo kết dính và chuyển tải những giá trị đạo đức và thẩm mỹ của con người.
Cấu kết cả một cộng đồng tộc người với nhau trong sự giao cảm thuần khiết. Và con người tưởng tượng ra một thế giới bên kia rất tốt đẹp không giống với thế giới bên này, thế giới trần tục mà con người còn nặng nợ với những dục vọng của trần gian. Từ “dieu” (thần thánh) có gốc của ngạn ngữ ấn – Âu dieros = rức sáng ở trên trời, khu biệt với tối tăm ở dưới trần, nơi ấy đầy ánh sáng và vĩnh hằng. Muốn đến được nơi đó con người phải sống hướng thiện!
(Nguồn Ban Tôn giáo Chính phủ)