Từ đạo hiếu truyền thống, nghĩ về đạo hiếu ngày nay – phần 1

“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức.

Về cơ bản, nội dung phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có nét đặc sắc riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo.

Đặc biệt, truyền thống “hiếu” của dân tộc được kế thừa và nâng cao trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Ở Người, phạm trù “hiếu” được chuyển đổi mang tính cách mạng. Trong điều kiện hiện nay, tác giả cho rằng, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ “hiếu” trong gia đình cũng như ngoài xã hội; kế thừa, phát triển “hiếu” theo tinh thần Hồ Chí Minh, gắn với yêu cầu của xây dựng gia đình văn hoá mới.

Đã từ lâu, cha ông ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là phải lấy chữ hiếu làm đầu:
“Làm trai nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay”.

Bởi lẽ, một con người mà không có hiếu đối với ông bà, cha mẹ, không biết yêu thương, kính trọng những người sinh thành dưỡng dục mình, thì khi ra ngoài xã hội, con người ấy khó trở thành người có tình cảm, biết yêu thương những người xung quanh.

Trách nhiệm, nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ được cô đúc trong khái niệm hiếu. Hiếu không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc thiện:

“Điều hiếu đứng vững,
Muôn điều thiện theo.
Phúc thiện đúng đạo,
Phúc lành được gieo”.
(Xuân đình gia huấn)

Theo đó, mỗi cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của gia đình, gia tộc, tuân theo nề nếp gia phong “trên kính dưới nhường”, khác đi đều bị coi là bất hiếu.

Hiếu được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức. Nho giáo quan niệm, cái gốc của đạo nhân là ái và kính, mà ái và kính có cội nguồn từ chữ hiếu. Khi nói về đạo trị nước của nhà vua, Khổng Tử cho rằng: “Lòng nhân ái có được bắt đầu từ chỗ yêu người thân như cha mẹ, như vậy mới dạy dân hiếu mục được.

Muốn dạy dỗ người khác phải bắt đầu từ người lớn trước mới dạy dân thuận theo được. (Trong sự nghiệp) dạy dỗ dùng tình nhân ái hoà mục thì dân quý và coi mình như người thân. Dạy biết kính bậc tôn trưởng nên dân quý mà nghe theo. Lấy lòng hiếu ra thờ cha mẹ, thuận theo mệnh lệnh thì đức giáo sẽ rộng ra khắp thiên hạ, không ai là không theo” (1). Như vậy, trong sự giáo hoá của mình, Nho giáo lấy hiếu làm trọng. Theo Nho giáo, hiếu bao hàm nhiều yêu cầu:

– Trước hết, trong gia đình, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ khi về già và tế tự khi bố mẹ mất. Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ” (2).

Điều đó có nghĩa là phận làm con phải có hiếu với cha mẹ không những lúc còn sống, mà cả khi cha mẹ đã mất. Khổng Tử cho rằng, nuôi cha mẹ thì phải một lòng kính trọng, nếu không kính trọng thì không phải là người có hiếu, đến như giống chó, ngựa đều có người nuôi.

Nuôi mà không kính thì chẳng khác gì nuôi thú vật. Vậy nên, nuôi cha mẹ cốt yếu nhất là ở lòng thành kính, dẫu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha mẹ được vui, ấy gọi là hiếu.

– Thứ hai, người con trong gia đình phải có khả năng và điều kiện để kế tục sự nghiệp của cha. Có như thế mới là nhà có phúc. Cha có con trai thì con cũng phải có con trai, nghĩa là ông phải có cháu trai, nếu không được như thế thì bị coi là nhà vô phúc và người con trai đó bị coi là bất hiếu.

Do quá chú trọng đến dòng dõi tông tộc, cộng với hạn chế về mặt lịch sử trong việc nhận thức về sinh lý con người, nên Nho giáo có nhận định mang tính hà khắc, chủ quan.

– Thứ ba, phận làm con trong gia đình không được phép trái lời cha mẹ. Xét trong quá trình lịch sử thì chữ hiếu của đạo đức Nho giáo quả đúng như vậy. Trong giai đoạn đầu của Nho giáo, quan niệm về hiếu có những nét tích cực nhất định. Ví như Khổng Tử nói: “Trong khi cha mẹ còn sống phận làm con chớ có đi chơi xa. Nếu đi chơi đâu thì thưa trước cho cha mẹ biết” (3).

Hoặc khi cha mẹ làm điều gì trái với đạo thì con cái phải dùng cách ôn hoà mà can ngăn. Nếu cha mẹ không nghe thì lại tỏ lòng cung kính và hiếu thảo, rồi dần lựa cách mà nói cho cha mẹ biết lẽ phải để sửa đổi lại:

“Những điều gì tốt trông cha mẹ nên,
Những điều hư hèn trông cha mẹ khỏi”.

Đó là những nét mang tính nhân văn, nó không chỉ cần cho xã hội Nho giáo xưa mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ đạo hiếu với cha mẹ ở xã hội hiện đại ngày nay.
—————————————–
(*) Thạc sĩ triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(1) Kinh Lễ (Nguyễn Tôn Nhan biên dịch chú giải). Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 198.

(2) Trần Lê Sáng (chủ biên). Ngữ văn Hán Nôm, t.1 – Tứ Thư. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.245.

(3) Trần Lê Sáng (chủ biên). Ngữ văn Hán Nôm, t.1 – Tứ Thư. Sđd., tr. 282.

(Nguồn: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.