“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức.
Nho giáo cũng cho rằng, những người con có hiếu còn là những người biết khéo tiếp nối được cái chí của cha mẹ, biết khéo noi gương được việc làm của cha mẹ, biết phân biệt để xem những cái nào hay thì theo, cái nào dở thì bỏ. Khổng Tử nói: “Xét người con thì khi cha còn sống, xem chí hướng của người ấy, khi cha chết thì xem hành vi của người ấy. Ba năm không thay đổi so với đạo của cha, thì có thể gọi là hiếu vậy” (4).
Dạy về hiếu, Khổng Tử cho rằng phải giữ đạo trung dung. Theo Khổng Tử, việc thờ cha mẹ không phải là cái lẽ cuối cùng của sự hiếu, mà cái lẽ cuối cùng của sự hiếu là lấy hiếu gây thành đạo nhân, vì người có hiếu tức là có nhân. Nhân với hiếu thường đi cùng nhau, nên những người có địa vị trọng yếu trong xã hội phải là những người rất chú ý về đạo hiếu: “Người quân tử ngồi ở trên mà trọn đạo với cha mẹ, thì dân chúng sẽ hướng về “nhân”; người ở ngôi trên không bỏ rơi bạn bè xưa cũ, thì dân chúng sẽ không ăn ở bạc bẽo lạnh lùng” (5).
Người quân tử ở đây là những người có quyền hành, địa vị trong tay, làm gương cho dân chúng. Những người ấy mà bất hiếu, tình cảm đơn bạc thì không thể khiến cho người dân có nhân, có nghĩa, có tình cảm được. Vậy nên, Tăng Tử mới nói rằng: “Thận chung, truy viễn, dân đức quy hậu hỹ” (nghĩa là: Người trên mà thận trọng trong tang lễ cha mẹ và lo tế tự tổ tiên các đời trước, thì đạo đức của dân chúng sẽ quy về trung hậu) (6).
Tuân Tử cho rằng, cái biết của thánh nhân là cái biết sâu sắc, cái biết từ nguyên tắc, từ tính lý biết đi – cái biết mà Tuân Tử gọi là “Tri thông thống loại” – nghĩa là biết lấy đạo nghĩa làm nguyên tắc căn bản để rồi từ đó suy ra. Cái biết đó hơn hẳn cái biết của người thường. Tỷ dụ: người thường biết hiếu với cha, trung với vua là nghe theo mệnh lệnh của cha, của vua; nhưng “tri thông thống loại” thì biết “ theo đạo chẳng theo vua, theo nghĩa chẳng theo cha, đó mới là cái hạnh lớn của con người”.
Ông phân biệt, người con hiếu có ba lý do “bất tòng mệnh”: Tòng mệnh thì người thân nguy, bất tòng mệnh thì người thân yên, người con hiếu bất tòng mệnh là “chung” – đúng phải. Tòng mệnh thì người thân nhục, bất tòng mệnh thì người thân vinh, người con hiếu bất tòng mệnh là nghĩa. Tòng mệnh thì không khác cầm thú, bất tòng mệnh thì hợp lễ giáo, người con hiếu bất tòng mệnh là kính. Cho nên nên tòng mà bất tòng là bất hiếu, không nên tòng mà tòng là bất “chung” (7).
—————————————–
(4) Trần Lê Sáng (chủ biên). Ngữ văn Hán Nôm, t.1 – Tứ Thư. Sđd., tr. 225.
(5) Trần Lê Sáng (chủ biên). Ngữ văn Hán Nôm, t.1 – Tứ Thư. Sđd., tr. 358 – 359.
(6) Trần Lê Sáng (chủ biên). Ngữ văn Hán Nôm, t.1 – Tứ Thư. Sđd., tr. 225.
(7) Xem: Tuân Tử ( Giản Chi – Nguyễn Hiến Lê dịch). Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1994.
(Nguồn: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)