“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức.
Trong thực tế đầy biến động của xã hội hiện nay, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng hoặc có hành vi hỗn láo, vô đạo đức với cha mẹ. Một số người coi việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ như một gánh nặng.
Một số người khác lại nghĩ rằng, chỉ cần đóng góp tiền bạc để nuôi dưỡng cha mẹ là đã làm tròn bổn phận của người con. Có những gia đình kinh tế khó khăn, điều kiện vật chất eo hẹp nên không có điều kiện hoặc thường lảng tránh việc chăm sóc cha mẹ.
Nhưng cũng có những người rất giàu có thì lại báo hiếu chỉ bằng cách thuê những người xa lạ về chăm sóc cha mẹ, để cha mẹ sống trong buồn tủi, cô đơn. Từ đó gây ra cảnh:
“Không ăn thì ốm thì gầy,
Ăn thì nước mắt chan đầy bát cơm”.
hoặc: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.
Những hiện tượng tích cực và tiêu cực về đạo hiếu đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã đặt ra rất nhiều vấn đề bức xúc mà chúng ta phải giải quyết. Bên cạnh việc phát huy, nêu gương những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, thì chúng ta cũng cần phải lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ.
Muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục chữ hiếu trong giai đoạn hiện nay. Nếu từ xa xưa, cha ông ta đã rất coi trọng và rèn giũa chữ hiếu thì ngày nay, chúng ta phải ra sức nâng niu, trân trọng và gìn giữ nó.
Thực hiện đạo hiếu trong gia đình, chúng ta sẽ nối được nghiệp nhà, làm rạng rỡ tổ tông và góp phần cho sự ổn định, phát triển của xã hội. Chữ hiếu từ xưa đến nay không trực tiếp tạo nên mức tăng trưởng GDP mỗi năm của Việt Nam, nhưng lại có một ý nghĩa hết sức lớn lao là đã tạo ra những con người Việt Nam nghĩa tình, hiếu thảo.