Hằng năm, khi tiết trời đang xuân, vào ngày 3/3 âm lịch, đa số đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn huyện Na Hang lại quây quần bên các phần mộ tổ tiên để phát quang, quét dọn cỏ cây… Đây là phong tục vừa tạo nên nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, vừa là dịp để con cháu trong gia đình sum họp, tưởng nhớ về tổ tiên, hiểu về thêm về nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Thanh minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.
Tiết trời mùa xuân ấm áp, quang đãng
Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Đây cũng là thời điểm thích hợp người Tày Na Hang tưởng nhớ tổ tiên và người thân đã mất bằng việc sửa sang lại mộ phần, bởi Tết Thanh minh là dịp hướng về nguồn cội.
Từ sáng sớm 3/3 âm lịch, khắp các triền đồi, chân núi…, từng đoàn người mang theo đồ lễ và dụng cụ đi tảo mộ cho những người thân đã khuất. Mọi người đều mang theo liềm, cuốc, xẻng để dọn cỏ, cắt bỏ đi những loài cây mọc dại xung quanh mộ, vun đắp lại mộ cho cao ráo và sạch sẽ. Con cháu đến khu mộ của gia đình thắp hương xin phép thần thổ địa, phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ phong quang, sạch sẽ. Sau khi rọn dẹp xong, mọi người sẽ bày xôi, thịt và hoa quả, kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu để dâng lên tổ tiên, đặt lên mộ một bó hoa cúc để tưởng nhớ người đã khuất.
Con cháu phát quang cây cỏ
Nghi lễ cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: Phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình, với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên. Lễ gồm có rượu ngô men lá, thịt, hoa quả, vàng hương và không thể thiếu món xôi màu (tiếng Tày gọi là “khẩu đăm đeng”).
“Khẩu đăm đeng” của người Tày Na Hang có nhiều màu sắc, trong đó có màu tím
Xôi ngũ sắc hay còn được gọi theo tên dân dã là xôi màu. Người Tày từ xa xưa đã sáng tạo ra loại xôi này để cúng tế đất trời, cầu cho mùa màng bội thu. Xôi thường được làm trong dịp lễ, Tết. Sau khi dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên, xôi sẽ được hạ xuống đem mời khách quý hoặc để gia đình quây quần thưởng thức cùng nhau bên bếp lửa.
Theo quan niệm của người Tày Tuyên Quang, ý nghĩa xôi ngũ sắc ngoài việc thể hiện “ngũ hành” còn thể hiện khát vọng yêu thương. Xôi có 5 màu sắc chính (trắng, đỏ, xanh, tím, vàng), tượng trưng cho ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Điểm đặc biệt của ẩm thực dân tộc Tày là không dùng bất cứ loại phẩm màu hay chất phụ gia nào. Để tạo màu, người Tày sẽ dùng các loại lá cây ngoài tự nhiên để nhuộm màu cho gạo nếp rồi mới đem đồ chín. Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ cây cơm tím, màu đỏ từ cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh làm từ lá dứa hoặc lá gừng. Món xôi này thể hiện cho lòng yêu mẹ, kính cha; tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa; ước vọng mùa màng bội thu và cũng là tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.
Bánh dày nhân vừng đen của người Tày Na Hang
Ngoài xôi màu, con cháu còn làm các loại bánh được làm từ gạo nếp như bánh khảo, bánh dày…kính dâng lên ông bà tổ tiên. Trong quá trình cúng, con cháu sẽ cùng hoài niệm để tưởng nhớ đến những kỷ niệm đẹp về ông cha, ôn lại những ước nguyện đã đạt được và cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp, an lành trong tươi lai.
Không khí ấm áp của tiết trời đương xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc như báo hiệu một năm mới an lành. Mỗi gia đình bắt đầu một mùa vụ mới với nhiều cố gắng, nỗ lực, luôn hướng về tổ tiên.
Tết Thanh minh là một tục lệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày huyện Na Hang. Bên cạnh Tết Nguyên đán thì ngày 3/3 âm lịch được xem là “ngày Tết” quan trọng của người Tày, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần, sum họp, là dịp để con cháu trong gia đình, dòng họ hiếu kính tổ tiên, đền đáp ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ; nhắc nhở mỗi người nhớ về gia đình, quê hương.
Mặc dù giờ đây cuộc sống đã ít nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và hồn cốt dân tộc của đồng bào Tày vẫn được gìn giữ nguyên vẹn qua tháng năm. Mùa xuân đang về với đất trời và con người Xứ Tuyên, mang theo hương sắc của núi rừng và tình cảm con người nơi đây. Những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông từ ngàn đời vẫn được các thế hệ đời sau bảo tồn, phát huy để mỗi người đi đâu về đâu vẫn hướng về nguồn cội./.
(Nguồn: Internet)