Ý nghĩa hình ảnh Hạc Đứng Trên Lưng Rùa trong Văn Hóa Việt

Trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa là một hình ảnh rất quen thuộc mà chắc hẳn ai cũng đã từng nhìn thấy trên bàn thờ gia đình hay tại các đình, chùa, cổ miếu. Nhưng liệu đã có ai từng tự hỏi ý nghĩa của hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa có nghĩa là gì hay chưa? Và vì sao đó lại là hình ảnh con hạc chứ không phải là một con vật nào khác? Bài viết dưới đây để tìm hiểu về biểu tượng văn hóa hạc đứng trên lưng rùa cũng như tìm hiểu về ý nghĩa của hình tượng hạc đồng thờ cúng

Biểu tượng chim Hạc

Hình tượng của chim hạc là hình tượng gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt nam nói riêng. Hạc là con vật tượng trưng cho sự tinh túy, thanh cao, thần tiên và thoát tục vì vậy mà nó còn được gọi là Tiên Hạc.

Chim hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ hay còn gọi là đại điểu hoặc nhất phẩm điểu, là con chim của vũ trụ, của tầng cao, là dấu hiệu báo hiệu sự chuyển mùa và là đại diện cho thế lực thiên nhiên đến từ trời xanh. Hạc là loài linh vật được cho là bất tử của loài chim, là loài chim có phẩm chất cao quý, có tính cách của một người quân tử, mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, mang lại nhiều may mắn.

Trong nghệ thuật và hội họa truyền thống, có rất nhiều những không gian kiến trúc và bức họa thủy mặc về chim hạc mà ở đó loài chim này luôn ẩn chứa một tầng ý nghĩa sâu sắc nào đó mà hình ảnh của nó rất được chú trọng.

Loài hạc thường có bộ lông màu đen tuyền hoặc trắng muốt và có tuổi thọ vô cùng cao chính vì vậy mà chim hạc còn được xem là biểu tượng của sự trường tồn, của tuổi thọ và sự bền vững. Hạc còn biểu tượng cho sự thanh đạm, thuần khiết nên thường được sử dụng để đặt trên bàn thờ ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm cho gia đình.

Biểu tượng hình ảnh Rùa

Có lẽ đặc thù văn hoá sông nước của người Việt, hình ảnh con rùa đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng và thần thánh hoá trong tâm trí của người Việt. Ý nghĩa biểu trưng của rùa trải rộng trên tất cả các miền trong trí tưởng tượng. Hình ảnh rùa với cái mai phía trên có hình tròn như bầu trời, phía dưới phẳng như mặt đất, điều này khiến nhiều người tin rằng rùa là một biểu thị của vũ trụ, chỉ riêng nó thôi cũng đã có thể làm thành cả một vũ trụ học.

Rùa thường được mô tả là những sinh vật dễ tính, kiên nhẫn và khôn ngoan. Rùa có tuổi thọ cao, di chuyển chậm, cứng cáp và không có nếp nhăn vì vậy mà rùa được xem là biểu tượng của sự trường tồn và ổn định. Hình ảnh của con rùa thường xuyên được đưa vào văn hóa con người, với những tác phẩm hội họa, văn học cho đến điêu khắc đều sử dụng chúng làm đối tượng chính.

Ngày nay con rùa vẫn giữ một nét đặc trưng cơ bản mang tính thiêng liêng, thần thánh trong văn hóa và quan niệm của người Việt. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của loài linh vật này qua các câu chuyện cổ tích, qua các truyền thuyết hay các di tích lịch sử văn hóa. Hình ảnh Rùa đội bia đá khắc tên các tiến sĩ đỗ đạt tại văn miếu Quốc Tử Giám là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự trường tồn và bất diệt của linh vật này.

Lý giải hình tượng hạc đứng trên lưng rùa trong văn hóa Việt

Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa dù được đặt ở rất nhiều nơi khác nhau và quen thuộc với mỗi chúng ta nhưng không phải ai cũng đều biết được ý nghĩa văn hoá sâu sắc xung quanh biểu tượng văn hóa này. Ông cha ta từng có câu:

“Thương thay thân phận con rùa

Lên đền đội hạc xuống chùa đội bia…”

Có rất nhiều câu chuyện xung quanh lí giải về hiện tượng này. Có ý kiến cho rằng, chim hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa trong các món đồ thờ cúng và trong nhiều ngôi miếu, chùa…là biểu hiện của sự hài hòa giữa giữa hai thái cực âm và dương, giữa trời và đất.

Hình ảnh Hạc đứng trên lưng rùa sử dụng trong thờ cúng. Ảnh: Internet

Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn chơi rất thân nhau. Rùa là loài vật sống dưới nước, biết bò còn hạc là con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời mưa lũ, ngập úng cả một đất lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, hạc đã giúp rùa tìm đến vùng có nước. Điều này nói lên tinh thần, nghĩa cử cao đẹp, sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.

Một lý giải khác về hình tượng hạc đứng trên lưng rùa đó chính là câu chuyện liên quan đến hình ảnh lá cờ phướn dài. Theo câu chuyện từ đời xưa kể lại, lá Phướn ở chùa là hình ảnh con rắn bị trừng phạt. Trước kia, một người nông phu nọ có nuôi một con rắn, hàng ngày anh chăm chỉ kiếm mồi để nuôi nó lớn. Một hôm, người nông phu nói với con rắn rằng, hôm nay đói kém nên không thể kiếm ăn cho rắn được. Rắn nghe thế bèn nổi giận và trở mặt, phồng mang, trợn mắt đòi cắn chết anh nông phu. Và rồi anh nông phu nói với rắn hãy đi cùng mình đến gặp một loài vật khác hỏi xem nếu nó đồng ý thì người nông phu sẽ nguyện để rắn ăn thịt. Rắn đồng ý và cả hai đã gặp chim Hạc. Anh nông phu kể lại tự sự, Hạc nghe xong liền nổi giận cho rắn là phường vong ân bội nghĩa, tội đáng chết. Nhưng rắn không chịu và đòi đi gặp con vật thứ hai. Và rồi cả hai lại gặp con rùa đang nằm ở bên vệ đường. Rùa nghe rắn phân bua, bèn phán và bảo rắn cắn người nông phu chết cho rồi bởi tạo sao nuôi rồi còn để cho mi đói.

Sau đó trên đường đi, cả 2 lại gặp con Quạ. Nghe xong cớ sự, quạ nổi giận bèn từ trên cành cao nhào xuống mổ con rắn chết ngay tức khắc. Nhưng hồn con rắn không vừa, bèn bay lơ lửng, vẩn vơ tìm Đức Như Lai để nhờ phân xử. Đức Phật nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi phán rằng:” Hạc là loài có nghĩa, từ nay được đứng trên cao . Rùa ăn nói vô lý, từ nay cho nó bò dưới thấp. Rắn là loài vô ơn nên bị quạ giết là đáng lắm. Nên quạ tha xác rắn lên ngọn cây cho muôn loài soi gương mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vô ơn phản phúc.” Từ đó hạc đứng chầu trên cao. Rùa đội chân con hạc. Quạ đậu trên cột phướn và lá phướn treo trước chùa chính là hiện thân xác rắn đang phơi mình cho mỗi chúng ta khi trông vào đó mà tự răn lấy mình.

Ý nghĩa hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa trong thờ cúng

Theo quan điểm của người Việt, rùa là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ rất cao và thường được gọi là cụ rùa, thần rùa. Rùa có thân hình chắc chắn cộng với khả năng sống lâu nên thường được ví như biểu tượng của sự trường tồn. Bên cạnh đó, Rùa ăn ít và có khả năng nhịn đói tốt nên được coi là thoát tục.

Truyền thuyết nói rằng, Hạc là loài chim tiên sống rất thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi chim hạc là “thọ bất khả lượng” tức sống lâu không thể tính hay “hạc thọ thiên tuế” tức hạc sống nghìn năm. Cũng bởi vậy mà nhiều thế hệ sau vẫn dùng hình ảnh chim Hạc như một lời chúc, một mong ước về sự trường thọ.

Trong bộ ngũ sự, đôi hạc đồng thờ cúng với hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa là khí cụ không thể thiếu trên bàn thờ được đặt chung với đỉnh đồng và đôi chân nến. Việc đặt đôi hạc thờ cúng cùng với bộ đỉnh đồng như vậy theo phong thủy sẽ tạo nên một thế vững chắc, một sợi dây kết nối tâm linh huyền bí giống như trục liên kết trong vũ trụ.

Ngoài ra, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa còn mang ý nghĩa “ thọ đội thọ” thể hiện rõ nhất cho khát vọng trường tồn, may mắn, khỏe mạnh và là nguyện ước của con cháu gửi đến ông bà tổ tiên, mưu cầu cho một cuộc sống hạnh phúc, thuận lợi và phát triển thịnh vượng bền lâu. Và đôi hạc đứng trên lưng rùa khi đặt lên bàn thờ cũng mang ý nghĩa như một liệu pháp “trấn phong thủy” ngăn chặn tà, xấu vào nhà.

Trên đây là những chia sẻ xung quanh biểu tượng văn hóa hạc đứng trên lưng rùa – một biểu tượng quen thuộc trong văn hóa tâm linh của người Việt.

(Nguồn: Internet)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.