Những tiếng chuông chùa Đại Lộc đã không còn xa lạ với người dân tại Sarnath. Tương truyền, tại mảnh đất này, Đức Phật đã giảng pháp lần đầu tiên và cũng là nơi mà Tăng già Phật giáo đã ra đời.
Giữa thánh tích, chùa Đại Lộc nay được nhiều người biết đến, điểm nhấn là pho tượng Phật nặng tới 1.200 tấn, cao 24 mét, được tạo thành từ 660 khối đá sa thạch.
Chùa Đại Lộc động thổ xây dựng vào cuối năm 2009, có sự chứng minh của Hòa thượng Kim Triệu, Hòa thượng Thích Như Niệm, 20 Tăng Ni và gần 100 Phật tử tham dự. Trãi qua 5 năm xây dựng, nay đã hoàn thành các hạng mục: Chánh điện, tượng Phật chuyển Pháp luân; Tăng xá; Trai đường, Hội trường, Thư viện; Quốc Tự giám; Chùa Một cột. Chính thức Kiết giới Sima vào ngày 5 tháng 12 năm 2014 và khánh thành vào ngày 6 tháng 12 năm 2014. Trong ngày lễ Khánh thành có Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chánh phủ, Đại diện Chánh quyền Ấn Độ, Đại diện Đại Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Chư tăng các truyền thống Phật giáo, Chư thiện nam tín nữ trong và ngoài nước đến tham dự.
Chùa Đại Lộc được khánh thành ngày 6/12/2014
Chùa Đại Lộc có diện tích hơn 7000m do Đại đức Thiện Minh và Đại đức Tường Quang vận động Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước mua đất và xây dựng chùa. Từ năm 2009 đến nay, tuy đang xây dựng, nhưng hằng năm vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch có tổ chức lễ dâng y Kathina cho Chư tăng Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Tích Lan, Miến Điện, Tây tạng… đang du học tại Đại học Varanasi, mỗi năm cung thỉnh khoảng hơn 100 Tăng Ni cúng dường pháp y Kathina.
Kiến trúc chùa Đại Lộc không hoành tráng như những đại già lam khác, nhưng có nhiều phòng cho du học tăng đến cư ngụ tu học chương trình thạc sĩ và Tiến sĩ ở Đại học Varanasi và Đại học quốc tế Theravada gần chùa; Đồng thời đáp ứng nhu cầu hành hương của Tăng Ni và Phật tử. Quốc Tự Giám và Chùa Một Cột nơi đặt đại hồng chung và đại tháp trống, hai biểu tượng đó nói lên tinh thần dân tộc Việt Nam ở quê hương xứ Phật.
Pho tượng Phật nặng tới 1.200 tấn, cao 24 mét, được tạo thành từ 660 khối đá sa thạch.
Chùa Đại Lộc giờ đây cũng đón các chú tiểu từ Việt Nam sang. Tại đây, các em được học văn hóa, tiếng Anh, tiếng Hindi và các giáo lý Phật giáo. Song sau những giờ học, dưới mái chùa, các em lại được trở về một không gian đẫm văn hóa và nếp sống Việt.
Sau khi hoàn thành xây dựng chùa Đại Lộc, Thượng tọa Thích Tường Quang giờ đây đã hiến dâng ngôi Tam Bảo cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mong muốn ngôi chùa sẽ mãi sẽ là đại diện cho Phật giáo và văn hóa Việt tại Ấn Độ.
Cùng với chùa Đại Lộc thì giờ đây tại những mảnh đất thánh địa khác của Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal cũng đều đã xuất hiện những ngôi chùa Việt. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh và tinh thần đặc biệt cho những người Việt xa xứ, mà còn là một nơi mà hình ảnh và văn hóa Việt được lan tỏa một cách dung dị nhưng rất đỗi tự nhiên.
(Nguồn: phatgiao.org.vn)