Truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy kể rằng, sau khi bị đánh tráo nỏ thần, thành Cổ Loa bị thất thủ trước sự xâm chiếm của quân Triệu Đà, An Dương Vương Thục Phán đã mang theo người con gái yêu là Mỵ Châu tháo chạy khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.
Đến khi người ngựa đã sức cùng lực kiệt mà kẻ thù lại ở rất gần, nhà vua nước Âu Lạc đành phải cầu cứu thần Kim Quy giúp đỡ. Vậy nhưng, khi thần Kim Quy hiện lên thì ngài đã giận dữ mà bảo, giặc ở sau lưng nhà vua. Và truyền thuyết khép lại với hình ảnh trước khi được thần Kim Quy rẽ nước cho xuống biển thì vị vua của nhà nước Âu Lạc đã phải tự tay chém chết người con gái yêu của mình. Đã hàng ngàn năm trôi qua, nhưng hậu thế vẫn không thể chắc chắn về địa điểm mà An Dương Vương được thần rùa mở đường cứu nguy. Vậy mà ở xứ Thanh hôm nay, còn đó sự hiện hữu những di tích gắn liền với truyền thuyết: Đền thờ đức vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu; Giếng ngọc…
Tìm về truyền thuyết
Là người Việt, chắc hẳn không ai xa lạ với câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng Mỵ Châu – Trọng Thủy nhắc nhở hậu thế về tinh thần cảnh giác trước mọi kẻ thù. Nàng Mỵ Châu muôn phần xinh đẹp vốn là con gái của An Dương Vương Thục Phán, vị vua đi vào huyền sử dân tộc với việc đánh bại quân Tần xâm lược, thống nhất nhà nước Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc. Sau khi trở thành chủ nhân của Âu Lạc, Thục Phán An Dương Vương đã cho xây dựng thành Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội ngày nay). Cùng với đó, do được thần Kim Quy tặng cho chiếc móng, dưới bàn tay tài hoa của bề tôi Cao Lỗ đã chế tạo ra nỏ thần bắn một phát ra nhiều mũi tên, bách phát bách trúng. Chính vì vậy mà thế nước Âu Lạc những tưởng vững bền mãi mãi.
Lúc bấy giờ, Triệu Đà ở phương Bắc nhiều lần lăm le đánh chiếm nhà nước Âu Lạc song đều thất bại. Biết rằng sức mạnh nằm ở chiếc nỏ thần nên vờ cầu thân làm hòa, cho con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn Mỵ Châu. Vì không cảnh giác nên An Dương Vương không chỉ đồng ý cho Trọng Thủy kết hôn cùng con gái yêu Mỵ Châu mà còn để con trai của vua Nam Việt ở rể. Về phần Mỵ Châu, vì tình yêu mù quáng với chồng mà quên hết mọi lời dặn của cha, nàng không chỉ kể cho Trọng Thủy biết bí mật nỏ thần, thậm chí còn dám lén cho Trọng Thủy xem báu vật. Chính vì thế mà Trọng Thủy có cơ hội đánh tráo lẫy nỏ thần. Về phần An Dương Vương, cậy mình có nỏ thần nên không đề phòng, khi quân của Triệu Đà kéo sang mang nỏ ra bắn thì không còn hiệu nghiệm như trước. Chính vì thế mà thành Cổ Loa nhanh chóng thất thủ, An Dương Vương buộc phải mang theo con gái yêu Mỵ Châu chạy xuôi về phương Nam theo hướng biển Đông. Để rồi kết cục, người sáng lập nhà nước Âu Lạc An Dương Vương Thục Phán buộc phải tự tay chém chết con gái yêu – kẻ khiến ông thất bại đau đớn, đất nước rơi vào tay kẻ thù phương Bắc.
16 sắc phong cổ qua các triều vua hiện còn lưu giữ tại đền thờ An Dương Vương
Câu chuyện về vị vua nhà nước Âu Lạc đánh mất nỏ thần không chỉ là truyền thuyết dân gian mà còn được ghi chép trong Đại Việt sử lược, An Nam chí lược (hai cuốn sử biên niên niên đại thời Trần) và Đại Việt Sử ký Toàn thư với điển tích “rải lông ngỗng”. Ngày nay, nhắc đến Mỵ Châu, hậu thế vừa giận lại thương. Giận nàng vì để lộ bí mật quốc gia, hủy hoại cơ nghiệp của vua cha, đẩy đất nước rơi vào cảnh bị thôn tính, nhân dân bị lầm than cơ cực. Nhưng rồi, nàng Mỵ Châu rốt cuộc cũng thật đáng thương. Vì yêu mà nàng mù quáng dẫn đến sai lầm, song chẳng phải ngay từ đầu nàng vốn dĩ đã là “quân cờ” cho những mưu đồ chính trị đó sao.
Truyền thuyết dân gian và huyền sử cứ đan xen vấn vít. Không ai biết chuyện nỏ thần thật đến đâu, liệu có phải chính Mỵ Châu là nguyên nhân khiến cho nhà nước Âu Lạc rơi vào tay kẻ thù? Liệu có phải Vua An Dương Vương khi cùng đường đã ngậm sừng tê đi xuống nước? Vậy nhưng, có một điều chắc chắn, dấu vết xây theo hình trôn ốc của thành Cổ Loa nơi đất kinh kì trải qua mấy nghìn năm vẫn còn đó. Còn ở xứ Thanh là sự hiện hữu của những di tích cổ liên quan đến An Dương Vương và con gái Mỵ Châu. Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn cho rằng: Nương theo huyền sử và truyền thuyết dân gian thì những di tích là dấu tích trên đường rút chạy của vị vua nhà nước Âu Lạc.
(Nguồn: Ban tôn giáo chính phủ)