Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, tối ngày 04/8/2021 tư vấn trên VnExpress, khuyên nếu không may mắc Covid-19 bạn cần bình tĩnh, tự tin vượt qua bệnh tật bởi chỉ 5% trường hợp là nặng.
HỎI: Xin bác sĩ cho biết các dấu hiệu thường gặp, đặc trưng nhất của Covid-19. Ngoài ra, khi mắc Covid-19 còn có dấu hiệu ít phổ biến nào khác cần lưu ý không?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Các dấu hiệu thường gặp, đặc trưng nhất của bệnh nhân mắc Covid-19 giống như cảm cúm, như sốt, đau nhức mình mẩy, đau bụng, tiêu chảy. Nặng hơn là đau tức ngực, khó thở, diễn tiến suy hô hấp, tím tái cần phải nhập viện để điều trị. Y văn còn ghi nhận những người lớn tuổi đã vượt qua Covid-19 là cảm giác đau nóng rát cổ. Ngoài ra 10-15% bệnh nhân Covid-19 mất vị giác, tê đầu lưỡi, ăn uống nhạt miệng; mất khứu giác (không ngửi được mùi).
Những dấu hiệu ít phổ biến ở trẻ em có thể là hội chứng viêm đa hệ thống. Có nghĩa là em bé có biểu hiện nổi ban ở da, phù nền niêm mạc và vùng da ở tay chân nổi đốm đỏ dưới da, nó sưng sưng, giống như tình trạng tổn thương da niêm trong bệnh kawasaki ở trẻ em. Em bé có thể đau bụng, ói mửa, mệt, biểu hiện ở tim, sốc, mạch huyết áp tụt, bị mắt đỏ, lưỡi dông, triệu chứng như bệnh lý kawasaki ở trẻ em. Ở người lớn thì có thể bị đột quỵ, tổn thương mạch vành, tổn thương cơ tim, ảnh hưởng đến chức năng tim phổi do phản ứng viêm.
HỎI: Hiện có cách nào để nhận biết cơ thể mình đã mắc Covid-19 (ngoài cách xét nghiệm) khi mà có các trường hợp dương tính nhưng không có triệu chứng gì?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Theo thống kê, trong đợt dịch này có đến 80% bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Vậy làm sao để biết mình bị bệnh trong bối cảnh này cũng rất khó.
Lưu ý trong hoàn cảnh dịch phức tạp, dù chúng ta không có triệu chứng nhưng chũng ta vẫn có thể có nguy cơ từ phía gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Hoặc khi chúng ta đi mua thực phẩm thiết yếu, vô tình tiếp xúc với người mắc hoặc không trang bị tốt khẩu trang, kính giọt bắn, không sát khuẩn tay thì khả năng mắc bệnh là rất cao. Những trường hợp này cần cẩn thận bởi nếu không có triệu chứng mà đi khắp nơi thì là nguồn lây lan rất lớn và nguy hiểm cho mọi người.
HỎI: Tôi có đọc bài báo nói khoảng từ ngày thứ 5-12 mắc bệnh có thể sẽ chuyển biến nặng. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? Nếu đúng thì các dấu hiệu nào cho thấy bệnh đã chuyển nặng và tôi cần phải đến bệnh viện ngay lập tức?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Khi nhiễm nCoV ủ bệnh từ 2-14 ngày, biểu hiện triệu chứng ở tuần đầu tương đối nhẹ, nhưng bệnh trở nặng rơi vào ngày 5-8 của bệnh từ khi khởi phát triệu chứng. Như vậy có thể nói bài báo bác đọc là đúng. Sau một tuần ta sốt, ho, nhức mình mẩy, biểu hiện nhẹ thôi, sau đó triệu chứng giảm dần. Một số trở nặng hơn, sau đó mình sốt cao hơn, cảm thấy nặng ngực, ngạt thở, thở gắng sức, nếu trong bệnh viện ta có đo SpO2 thấp, dưới 93% là quá thấp, thì các trường hợp đó phải nhập viện thở oxy, hỗ trợ thở để giúp vượt qua.
Trong quá trình đó, diễn tiến ngày càng nặng kéo dài từ 7-10 ngày. Tuần thứ 2 mắc sẽ quyết định tình trạng bệnh, nếu mình vượt qua tuần này thì bệnh thối lui, phục hồi sức khỏe. Trong thời gian đó, có thể biến chứng xảy ra rất nhiều, ngoài biến chứng nặng ra còn viêm cơ tim, suy tuần hoàn, hoặc biến chứng đột quỵ, mạch vành nhiều. Ở trẻ em, có triệu chứng viêm đa hệ thống giống bệnh Kawasaki như tôi vừa miêu tả, triệu chứng chân tay sưng phù, có hồng ban, mắt đỏ, ảnh hưởng cơ tim, mạch vành của trẻ, gây suy tuần hoàn sốc tim. Nên ta rất phải lưu ý trong giai đoạn này, cần phải nhập viện và được nhân viên y tế chăm sóc vượt qua giai đoạn khó khăn này.
HỎI: Sau khi nhận kết quả test nhanh dương tính nCoV thì tôi phải làm những gì trong thời gian chờ kết quả khẳng định lại? Trong thời gian này tôi nên theo dõi và xử trí các triệu chứng thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi… như thế nào?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Khi có test nhanh dương tính thì thường ngành y tế sẽ tiếp tục xét nghiệm RT-PCR để khẳng định. Trong thời gian chờ, kết quả trong vòng 24 tiếng có kết quả. Trong thời gian đó, bạn nên tự cách ly tại nhà, cách ly thành viên còn lại, thường xuyên theo dõi dấu hiệu bản thân như sốt, cần có cặp nhiệt độ đo từ 2- 3 lần để xem mình có sốt không, kẹp ở nách nếu 38,5 độ là sốt.
Tuyệt đối không được đi ra khỏi nhà, bởi chỉ cần tiếp xúc trong ăn uống có thể lây nhiễm. Trường hợp bạn triệu chứng thông thường như sốt, ho, mất khứu giác, vị giác, mệt mỏi…có khả năng bạn đã mắc bệnh. Khi đó, bạn cần nhanh chóng thông báo đến nhân viên y tế theo quy trình và cần có hệ thống y tế phường xã, quận huyện tuyến tỉnh thành phố để hỗ trợ có tổ chức, đánh giá, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
HỎI: Nhà tôi có nhiều người, gồm trẻ nhỏ từ 3-14 tuổi, người lớn và người già (ba mẹ tôi đều có bệnh nền). Em tôi là F1 cách ly tại nhà. Vậy tôi cần chuẩn bị những gì? Và kế hoạch sống chung của F1 như nào để không lây nhiễm sang người thân?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: F1 đã làm xét nghiệm và đã có kết quả âm tính, nhưng sẽ có xét nghiệm lập lại. Người này phải được cách ly, phòng riêng, nếu ở ngày 7 và 14 xét nghiệm âm tính thì khả năng mắc bệnh thấp. Các thành viên khác trong thời gian này cũng phải tự theo dõi sức khỏe, có biểu hiện gì thì thông báo ngay cho nhân viên y tế.
HỎI: Tôi ở nhà trọ, cả nhà 4 người (hai vợ chồng, hai con nhỏ dưới 5 tuổi) mà nhà chỉ có một phòng và 1 nhà vệ sinh duy nhất. Tôi đã có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính nCoV nhưng chưa được đưa đi điều trị. Tôi nên pha dung dịch khử khuẩn như thế nào để diệt khuẩn? Ngoài ra tôi cần chú ý đến các vấn đề lau chùi, khử khuẩn các bề mặt, vật dụng khác như thế nào?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Đây là tình huống mà nhiều người ở trọ gặp phải do ở chung trong phòng trọ nhỏ, không đủ không gian cách ly. Trường hợp của anh test nhanh dương tính, lý tưởng nhất là đi cách ly tập trung để được cách ly an toàn và theo dõi tình trạng bệnh. Lợi ích khi cách ly tập trung là anh được chăm sóc y tế và bảo vệ người thân bởi cách ly ở nhà là rất khó. Khuôn viên nhỏ, không thể lắp được vách ngăn trong khi khoảng cách an toàn là 2m.
Về sát khuẩn, anh có thể sử dụng Chloramine B sẽ được y tế phường cung cấp, dùng loại có mác, theo hướng dẫn trên bao bì. Thường là 10 lít nước trong gói 40 g để lau bề mặt hoặc dùng bình xịt. Khi đó, gia đình phải đi ra ngoài và đợi 15 đến 30 phút mới vào lại để đảm bảo gia đình an toàn.
HỎI: Tôi được biết thông gió sẽ giúp giảm lây nhiễm cho gia đình, tôi đang là F0 đã ở trong phòng riêng, nhưng tôi rất lo ngại lây nhiễm cho gia đình và hàng xóm. Xin chuyên gia hướng dẫn chi tiết hơn về thông gió trong chung cư. Gia đình tôi có nên mở cửa chính và các cửa ban công không?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Thông thường thì virus sống được trong không khí khoảng 2-6h, tùy nhiệt độ môi trường, nhiệt độ càng thấp, dưới 20 độ C thì virus sẽ sống lâu hơn.
Như vậy, để tiêu diệt nó ngoài không khí thì phải mở cửa ra để loãng ra, và khi nó gặp ánh nắng trên 25 độ C thì sẽ chết trong vòng một hai giờ. Nên mở cửa thông thoáng chỗ ở của mình. Tuy nhiên ở chung cư thì mở cửa sẽ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ, vì vậy khi mở cửa phải có cửa lưới chặn hết. Khi ra ngoài không khí virus bị pha loãng, chịu tác động thêm của ánh nắng thì nó sẽ sớm bị tiêu diệt, sẽ không ảnh hưởng đến nhà xung quanh.
HỎI: Con gái tôi 8 tuổi, con trai 6 tuổi bị tiêu chảy, sốt, ho nhiều, thở mệt vì mắc Covid-19. Tôi cần chăm sóc thể chất như thế nào để con nhanh hồi phục và bệnh không trở nặng?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Con đã mắc Covid-19 nên đưa con nhập viện vì có triệu chứng báo động, nguy hiểm. Nhập viện để được theo dõi xét nghiệm máu, chụp X-quang. Nhóm trẻ em dưới 5 tuổi dễ diễn tiến nặng còn ở nhóm tuổi khác mà bị cơ địa thừa cân, béo phì cần nhập viện sớm nếu có triệu chứng đi kèm.
Trường hợp phải cách ly ở nhà, gia đình cần đếm nhịp thở và nắm nhịp thở theo lứa tuổi, dựa trên khuyến cáo của bác sĩ. Nhịp thở tăng theo lứa tuổi. Phụ huynh có thể lưu ý các con số sau để xem trẻ có thở nhanh hay không. Nên đếm 2 lần để kiểm chứng. Trẻ dưới 2 tháng: Nếu nhịp thở trên 60 lần/phút là thở nhanh. Một em bé từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: Nhịp thở trên 50 lần/phút được coi là thở nhanh. Trẻ 12 tháng đến 5 tuổi: Nếu nhịp thở trên 40 lần trở lên là nhanh. Con mình ở tuổi nào nhớ một con số đó. Ví dụ con 3 tuổi nhớ số 40, trên 40 lần/phút là nhanh. Tuy nhiên trong những trường hợp này, bác sĩ khuyên nên cho con nhập viện để theo dõi và làm các xét nghiệm cần thiết.
HỎI: Tôi và con trai 7 tuổi (cháu bị hen suyễn dùng thuốc thường xuyên) cùng dương tính Covid-19 nhưng nhà không có máy đo SpO2, máy đo huyết áp. Nhờ bác sĩ hướng dẫn tôi cách đếm nhịp thở, đếm mạch để theo dõi sức khỏe cho cháu với. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Cháu bị hen suyễn là yếu tố nguy cơ ở mức độ thấp hơn so với bệnh lý khác như ung thư, máu, tim mạch nhưng vẫn cần cảnh giác gì covid tấn công đường thở, ảnh hưởng đường hô hấp trẻ. Trường hợp mình không có SpO2, không có máy thở thì có thể đếm nhịp thở tại nhà. Với trẻ 7 tuổi thì nhịp thở trên 30 lần là phải đưa đi viện.
Ngoài ra, gia đình lưu ý cách thở của bé. Do khi bị hen mà mắc Covid-19 thì bé phải ngồi thở, chồm ra trước, gắng sức đẩy hơi thở ra trước thì phải đưa trẻ đi viện kịp thời.
HỎI: Tôi nên bổ sung thực phẩm, đồ uống gì và kiêng khem gì khi mắc Covid-19?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Đảm bảo đủ nhóm thức ăn đủ chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin và hoa quả để bổ sung nước, tránh táo bón. Ăn chín, uống chín và ăn thức ăn dễ tiêu hóa để có năng lượng chống chọi với bệnh tật. Khi mắc Covid-19, bạn cũng cần ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng, cải thiện miễn dịch, chống chọi dịch bệnh.
HỎI: Xin bác sĩ hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu đúng? Tôi cần chuẩn bị gì trước khi lấy mẫu tại nhà? Bố mẹ tôi đã lớn tuổi, tôi có nên lấy giúp ông bà hay không?
BÁC SĨ TRẢ LỜI: Điều quan trọng nhất phải lấy đúng kỹ thuật, khi dùng que phải đưa đủ sâu, vùng đầu của que đụng vào tỵ hầu và quẹt đủ 10 giây. Các hãng sản xuất sẽ có hướng dẫn cụ thể trên bộ test. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và thực hiện đúng theo như vậy sẽ cho kết quả đúng. Nếu người già không tự lấy được mẫu thì bạn có thể hỗ trợ. Bạn nên đeo khẩu trang N95 là tốt nhất, đeo kính chống giọt bắn, đeo găng tay, rửa tay khử khuẩn trước và sau khi thực hiện lấy mẫu.
Như vậy, những điều nào cần đặc biệt chú ý và thực hiện khi phát hiện mình là F0?
Khi phát hiện mình mắc Covid-19 thì điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh. Vì 80% F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hãy hy vọng mình thuộc nhóm nhẹ này. Nếu chúng ta lọt vào nhóm 20% có triệu chứng trung bình đến nặng thì chỉ có 5% trong đó nguy kịch, cần phải nằm hồi sức. 15% còn lại ở mức độ trung bình.
Qua được 2 tuần điều trị, bệnh sẽ đỡ, thêm 1 tuần nữa sẽ khỏi. Thậm chí, Bộ Y tế còn rút ngắn thời gian cách ly tập trung, điều trị hơn chỉ còn 7-10 ngày, nếu chúng ta thử PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp, chỉ số CT >= 30 hai lần thì có thể xuất viện.
Bên cạnh đó, bạn cần tuân thủ tất cả những khuyến cáo của Bộ Y tế, ngành y tế như 5K, tự ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang thường xuyên. Nếu đang ở bệnh viện điều trị Covid-19 thì phải tuân thủ nội quy của bệnh viện, lời khuyên của bác sĩ. Như vậy bạn sẽ có cơ hội cao chiến thắng Covid-19. Ngoài ra bạn cần giữ gìn sức khỏe, vận động, dinh dưỡng hợp lý, giữ tinh thần thoải mái.
Nếu không may mắc Covid-19, bạn hãy tự tin vào bản thân là mình sẽ vượt qua được căn bệnh này.
(Nguồn: vnespress.net)