Từ xa xưa, Nghê đá đã là một biểu tượng của một linh vật linh thiêng huyền bí của người dân Việt ta. Theo quan niệm dân gian con Nghê đá chính là sự kết hợp giữa thân chó và đầu lân.
Ảnh: Internet
Đặc điểm phân biệt giữa nghê đá và lân là ở bộ móng, nghê mang móng vuốt còn kỳ lân mang móng guốc. Ở Trung Quốc, người ta gọi “toan nghê” chính là con sư tử, còn ở Việt Nam, hình ảnh nghê gắn liền với con chó. Tại sao gọi là nghê? Các nhà nghiên cứu mỹ thuật giải thích: “Từ nguyên của nghê có nguồn gốc Trung Quốc. Hiện tượng phổ biến trong mã chung văn hóa vùng Viễn Đông có rất nhiều tín ngưỡng và đồ án Trung Hoa, nhưng khi sang đến Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống đến Việt Nam dù cùng tên gọi nhưng có dung mạo, sắc thái khác. Sắc thái của con nghê đá cổ Việt luôn gợi cho chúng ta một nét bình dị. Chẳng hạn con nghê gỗ – một trong những hiện vật quý ở đền thờ Lê Thánh Tông hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – dù được trang sức khá cầu kỳ, thể hiện bậc vương giả, khác với con nghê ở các chốn khác, nhưng vẫn bộc lộ một tính gần gũi, một nét thân quen phảng phất hình ảnh con chó”.
Vì sao nghê có dáng chó? Theo các nhà sử học cho biết: “Mỗi linh vật khi được dựng lên, đều có một khởi hình, chẳng hạn con rồng đá mang khởi hình từ con rắn. Con nghê, phần cấu tạo chính trong cấu trúc của con vật không có thật này mang khởi hình từ con chó”. Khác những linh vật khác thường ở một vị trí nhất định, nghê xuất hiện khắp nơi, trên các cổng tam quan, ngay trước cổng làng, lăng mộ, dưới nóc mái, bờ đao trong kiến trúc đình chùa, nhà ở… Nhìn vào con nghê, người ta thấy sự thân thiện, gần gũi, thân thương, chẳng hạn sự xuất hiện nghê ở cổng làng, biểu trưng như một sự đón chào, giống con chó khi thấy chủ đi xa về mang dáng điệu hồ hởi ra đón. Hiện vật nghê gốm, gỗ sớm nhất được xác định từ thời Lý mang vóc dáng của con chó bụng thon, đuôi ngắn, cổ tương đối ngẩng, những đặc điểm đó liên tưởng đến mối quan hệ giữa nghê và tín ngưỡng thờ chó trong dân gian Việt Nam.
Vị trí và ý nghĩa của nghê đá: Sự xuất hiện của nghê ở mỗi vị trí nhất định lại mang một ý nghĩa cụ thể. Bốn ngôi đền thiêng trấn giữ Đông – Tây – Nam – Bắc của kinh thành Thăng Long khi xưa chính là Thăng Long Tứ Trấn. Trấn Đông là đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, Thành hoàng Hà Nội, xây dựng vào thế kỷ 9. Trấn Tây là Đền Voi Phục, thờ Linh Lang, một hoàng tử thời nhà Lý, xây dựng vào thế kỷ 11. Trấn Nam là đền Kim Liên, thờ Cao Sơn Đại Vương, xây dựng vào thế kỷ 17. Trấn Bắc là đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Trong Thăng Long Tứ Trấn, đều thấy xuất hiện hình tượng nghê ở các nét trang trí kiến trúc… nhưng rõ nét và dễ nhận nhất là các con nghê đặt trên các cột trụ biểu trước cổng đền.
Ảnh: Internet
Việc tạo đường đi lối lại nơi các linh từ, đền thiêng, bao giờ cũng có 4 cột trụ biểu. Theo đúng cổ lệ, 2 cột trụ biểu bên trong cao hơn 2 cột bên ngoài. Trên đỉnh nóc 2 cột trụ biểu bên ngoài đặt đôi nghê chầu, đỉnh 2 cột trụ biểu bên trong là hình con chim phượng hoàng. Nghê sánh với phượng chính là những linh vật tượng trưng cho cõi trên. Người ta quan niệm rằng nghê đứng từ trên cao nhìn xuống, mang hàm ý kiểm soát tâm hồn của những người ra vào chỗ linh thiêng của ngôi đền, xem có xứng đáng hay không, nếu xứng đáng thì hãy vào, trải lòng với thần linh, nhưng nếu tâm không thiện, không tốt, không xứng đáng thì sẽ bị sự kiểm soát này trừng phạt. Trong các lăng mộ vua quan trước thời Nguyễn ở Bắc Giang đều thấy xuất hiện nghê, như lăng họ Ngọ, lăng Đinh Hương… nhưng xét về mặt mỹ thuật thì con nghê nơi lăng mộ mang tính khác biệt hoàn toàn với con nghê ở các ngôi linh từ.
Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật lý giải: “Con nghê nơi lăng mộ, xét trong ý nghĩa tâm linh hơi khác những con nghê chúng ta vốn quen thuộc thân thiết ở các đình làng, bởi thường thể hiện một lòng kính cẩn thương xót, bày tỏ một niềm đau đớn mà thường trong mỹ thuật cổ truyền vùng Viễn Đông, người ta không làm hình người khóc lóc ở lăng miếu, thay vào đó là hình các con thú. Con nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, thể hiện tâm thức người Việt, phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt”.
Sang đến thời Lê Trung Hưng, nghê bắt đầu có vảy, đuôi dài, thể hiện sự linh hiển, sang trọng và có một đặc điểm khác biệt với những linh vật cùng loại khác ở vùng Viễn Đông là nghê cặp đôi với phượng hoàng (thường phượng đi kèm với rồng). Nên dân gian có câu: “Làm Phượng thì múa làm Nghê thì chầu”. Điều này phản ánh việc người Việt xưa đưa con nghê từ vị trí gốc gác là con chó, trở thành một con vật có đẳng cấp cao sang hơn hẳn bởi nó sánh ngang phượng hoàng, một linh vật trong tín ngưỡng dân gian.
Nghê trong đời sống: Đến thời nhà Nguyễn, hình tượng nghê, đặc biệt trong các lăng tẩm, trong kiến trúc cung đình, dần được thay thế bằng kỳ lân, nguyên do có sự đổi thay này là những nét văn hóa hội nhập với các nước láng giềng. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Ở thời Lê trung hưng, nghê vẫn xuất hiện trong các lăng mộ, nhưng trong hầu hết các lăng mộ ông hoàng bà chúa triều Nguyễn không có nghê mà thay bằng kỳ lân. Tuy nhiên, sự vắng bóng nghê chỉ trong các lăng tẩm hoàng gia, còn trong đời sống thế tục, để thay đổi được hồn Việt, tính cách người Việt thì không dễ, cứ nhìn hệ thống kiến trúc ở hàng trăm ngôi làng Bắc bộ, cho đến nay người ta vẫn làm hình con nghê chầu”.
Nghê đá mang dáng ngọc như ý, biểu trưng một trong Bát Bửu, 8 thứ quý giá của nhà Phật: Mỗi hình dáng nghê của văn hóa dân gian Việt Nam xưa được gửi gắm một thông điệp đầy thú vị. Nghê mang rất nhiều biểu trưng, từ sự thân thương, bình dị, đến chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy, tôn nghiêm, linh thiêng và cả lòng trung thành. Hiếm có linh vật nào trên thế giới lại có nhiều hình dáng, nhiều biểu trưng và ý nghĩa độc đáo như nghê. Dựa trên các bộ sưu tập nghê còn lại ở các bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân, có thể thấy tùy từng giai đoạn nghê có những nét đặc trưng khác nhau. Nghê thời Lý dáng thon nhỏ, nhưng đẹp và rất cầu kỳ, nghê đời Lê mang tính vương giả hơn, mình đóng vảy, biểu lộ sự thiêng hóa, đồng thời xã hội cũng đang là thời điểm giằng co giữa chế độ phong kiến bắt đầu hình thành, cộng với ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, cho nên nhiều hình tượng nghê đã lai sang kỳ lân hoặc rồng, nhưng nét cơ bản đa phần vẫn mang đậm yếu tố dân gian Việt Nam.
Nghê đá có ý nghĩa trong phong thuỷ: Mỗi một linh vật trong văn hoá người Việt đều mang một ý nghĩa đặc biệt riêng. Nếu như Sư Tử là đại diện của sức mạnh, Rồng là đại diện của quyền lực và Tỳ Hưu là linh vật mang đến tài lộc thì nghê là loài thú mang nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cho mọi người. Đây cũng chính là ý nghĩa cao đẹp nhất của hình tượng con nghê đá trong phong thuỷ và được mọi người tìm mua để trang trí và bảo vệ cho các nơi linh thiêng hay nhà cửa.
Nghê phong thủy được biết là có tác dụng ngăn chặn, xua đuổi tà ma, các hung khí tà khí quấy nhiễu nên thường được đặt ở trước cổng của đình, chùa. Ngoài việc xua đi điềm xấu thì Nghê cũng có tác dụng hóa giải, trấn trạch khí xấu tại một vùng đất nên còn được đặt ở những nơi như ngã ba, nhà có đường cong hoặc vật nhọn hướng vào. Vì vậy mỗi một nơi đặt nghê khác nhau lại mang đến những ý nghĩa phong thuỷ khác nhau như:
-
- Nghê đặt trước cổng làng, đình chùa, miếu tự: Thường được đặt ở vị trí từ trên cao nhìn xuống. Nghê được đặt ở vị trí này có khả năng nhìn thấu và kiểm soát được tâm hồn, ý nghĩ của từng người khi bước qua nơi này. Từ đó, Nghê sẽ biết được mỗi người đó có tâm địa ra sao, có phải là người tốt hay không và có xứng đáng để bước vào nơi này không.
- Nghê đặt tại ngã ba đường, trước cửa nhà dân: Nghê đặt tại những vị trí này nhằm hóa giải những điềm xấu, sát khí, hung khí có thể mang đến cho chủ nhà. Tuy vậy, Nghê đá đặt trước nhà cần được làm đúng phong thủy, không được quá lớn hay quá nhỏ. Bên cạnh đó, nghê luôn đặt theo cặp để đảm bảo cân bằng âm dương và phát huy cao nhất hiệu quả của mình.
- Nghê đặt tại các khu lăng mộ dòng họ, lăng mộ người có quyền thế; chức vụ: Trong quan niệm dân gian, Nghê sẽ canh gác cho giấc ngủ ngàn thu của người dưới mộ, giữ cho người đã khuất có được sự thanh thản, bình yên nơi chín suối. Một số người còn cho rằng, Nghê xuất hiện trước mộ cũng thể hiện được niềm thương xót, kính cẩn của con cháu trong nhà với người đã khuất.
Chính từ sự đa dạng trong kiểu dáng, chất liệu, niên đại và vẻ đẹp tạo hình, nghê dần trở thành một dòng hiện vật được các nhà sưu tập cổ ngoài săn tìm. Trong bộ sưu tập nghê của nhà sưu tập ở TPHCM, có một con nghê rất đặc biệt, thuộc đồ dùng văn phòng tứ bảo của nhà thờ Công giáo vùng Nam Định. Điều này cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn của nghê trong đời sống dân gian Việt Nam xưa. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Có một điều thú vị khi Pháp đô hộ Việt Nam, đưa văn minh của họ vào, nhưng cũng đồng thời bị ảnh hưởng lại văn minh Việt. Ở thời điểm ấy, rồng đá trở nên khá phổ biến trong văn hóa Việt, nhưng khi làm đồ chặn giấy dùng trong văn phòng, nếu mượn hình tượng rồng thì quá dài, hình lân hoặc sư tử thì dáng đứng dễ đổ, nên người ta sử dụng hình tượng nghê nhờ dáng linh hoạt, dễ biến tấu hơn. Cái chặn giấy là một hiện vật thú vị minh chứng cho sự ảnh hưởng của hình tượng nghê vào văn hóa, tín ngưỡng và đời sống của người Việt xưa”.
Phân loại nghê đá
Có nhiều cách để phân loại nghê đá tuỳ theo hình thức của nghê, vị trí đặt, chức năng, lịch sử hay vùng miền. Cụ thể là:
-
- Phân loại theo hình thức của nghê đá: Phân loại theo hình thức của nghê đá sẽ dựa vào những chi tiết của nghê để phân biệt nên đây là cách đơn giản và trực quan nhất. Ví dụ phân loại theo nghê có sừng hay không sừng, nghê có bờm hay không bờm, nghê có vảy hay nghê có lông xoắn. Một số nơi còn phân biệt là nghê mang dáng chó hơn hay dáng sư tử hơn. Nhưng phân loại theo kiểu này thì có rất nhiều loại vì các nghệ nhân luôn sáng tạo trong việc tạo ra con nghê.
- Phân loại theo lịch sử: Mỗi giai đoạn lịch sử thì các tác phẩm điêu khắc lại mang một nét riêng. Vì vậy nghê thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Nguyễn đều có khác biệt rõ rệt. Phân loại theo lịch sử cũng dựa vào tạo hình của con nghê nhưng lại hơi khó khăn. Vì qua các thời kỳ thì nghê không có thay đổi rõ nét như hình tượng rồng trong lịch sử.
- Phân loại theo khu vực làm nghê: Một cách phân loại nghê phổ biến khác là dựa theo vùng miền làm nghê. Ví dụ như Nghê Bát Tràng, Nghê Bình Dương, Nghê Phù Lãng… Riêng các sản phẩm nghê đá thì làng nghề Ninh Vân ở Ninh Bình là nơi có truyền thống lâu đời nhất với các nghệ nhân lão luyện trong nghề luôn cho ra những mẫu nghê sáng tạo và đẹp mắt.
Hoa văn tô điểm thêm cho nghê đá
Ngoài hình tượng con nghê là phần chính thì chân đế của nghê đá cũng thường có thêm các hoa văn để tạo thêm điểm nhấn cho tượng. Các hoa văn này thường là cách điệu của những họa tiết thiên nhiên như hoa lá, mây nước, hoa sen… Những chi tiết này giúp cho con nghê thêm hài hoà, đặc sắc mà vẫn mang những ý nghĩa tốt đẹp về mặt tâm linh và phong thuỷ.
Phân biệt con nghê đá và kỳ lân, lân đá, tỳ hưu, sư tử đá Trung Quốc
-
- Nghê đá: như đã nói ở trên thì nghê là linh vật đặc trưng của người Việt kết hợp giữa sư tử hoặc Kỳ Lân và chó. Vì vậy đặc điểm phân biệt của Nghê với các loại khác chính là hình tượng loài chó được cách điệu trong đó. Ngoài ra, điểm đặc biệt của Nghê là răng nanh giống rồng rất khác biệt so với các loại khác.
- Tỳ Hưu: đây là một loại linh vật xuất phát từ văn hoá Trung Hoa. Tỳ Hưu có đầu lân, mông to như bò, đuôi dài, chùm lông đuôi rậm. Đặc biệt là Tỳ Hưu không có hậu môn và chỉ ăn vàng bạc nên tiền bạc vào bụng thì sẽ không thoát đi được. Điểm nhận biết của Tỳ Hưu là có sừng trên đầu và thân hình khá to tròn.
- Kỳ Lân/ Lân Đá: Kỳ Lân cũng là một linh vật đầy bí ẩn và linh thiêng được nhiều người tin tưởng. Kỳ Lân là tên chung cho loài gồm con Kỳ (con đực) và con Lân (con cái). Kỳ Lân không sát hại các loài khác bao giờ, chỉ ăn cỏ nên còn được gọi là Nhân Thú (con thú có lòng nhân từ). Để nhận biết Kỳ Lân có thể nhìn vào mặt và cánh ở lưng của con Kỳ.
- Sư tử đá Trung Quốc: hình tượng sư tử đá được sử dụng rất phổ biến ở nhiều quốc gia nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn. Sư tử đá Trung Hoa thường có đầu to, thân hình vạm vỡ với tỷ lệ 1:3, phần ngực nở rộng ra và chân mập cùng móng vuốt sắc nhọn. Sư tử đá Trung Hoa cũng có phần lông trên đỉnh đầu nổi bật lên, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá. Ức cũng cũng lông và hàm có thêm râu, con đực còn có thêm bờm. Sư tử đá Trung Quốc có rất nhiều chi tiết khác như dải băng hay lông dài phủ kín, đuôi hình lá, lông cổ xoắn, đeo lục lạc. Có nơi còn có thêm sợi anh lạc, đai gấm.
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)