Bốn nhóm bảo vật quốc gia tại chùa Bút Tháp gồm tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, hương án đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2, chùa Bút Tháp tọa lạc tại thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên và rất sinh động.
Ba pho tượng Tam Thế tại chùa Búp Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm.
Công trình ngoài cùng là tam quan, có kiến trúc tương đối giản dị. Tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Sau gác chuông là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường với tổng chiều dài hơn 100 mét.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Anh Nguyễn Hữu Chiến, cán bộ thuyết minh Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết mỗi nhóm bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo riêng nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay.
Tượng Phật Bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay trong Chùa Bút Tháp. Ảnh: Đình Trường.
Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Bức tượng đặt trong Thượng điện được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc. Với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo.
Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà chủ trì quá khứ, phật Thích ca Mầu ni chủ trì hiện tại và phật Di lặc chủ trì tương lai.
Các nghệ nhân đã chú ý tạc tượng với khuôn mặt phúc hậu, thanh thoát, song vẫn lộ vẻ sang quý. Bộ tượng mang ý nghĩa tâm linh to lớn, thể hiện sự phát triển nghệ thuật tạo hình điêu khắc Phật giáo ở vùng châu thổ Bắc Bộ.
Qua hình thức biểu hiện, trang trí của bộ tượng này, vừa tạo cho người xem, người hành lễ bước gần hơn với thế giới Phật giáo, đồng thời cũng tạo cho con người ta cảm nhận về vẻ đẹp của mỹ thuật Phật giáo – điều độc đáo mà các bộ tượng Tam thế Phật khác không có được, anh Chiến cho biết thêm.
Đặc biệt, du khách đều thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm liên hoa vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn.
Tòa Cửu phẩm liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo.
Chạm khắc trên tòa Cửu phẩm liên hoa tại chùa Búp Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Theo anh Nguyễn Hữu Chiến, tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp được xem như một loại cối kinh. Các tầng của tháp dưới con mắt của Phật giáo là tiêu biểu cho những khoảng của vũ trụ được xếp bậc lên nhau. Đó là thế giới của chư thiên, Phật, Bồ Tát. Các tầng bậc đó được xem như những thang bậc của ý thức, sự giác ngộ. Tòa Cửu phẩm liên hoa phản ánh đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố Thiền-Tịnh-Mật (phương pháp tu của đạo Phật) trong thế kỷ XVII.
Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ nhiều hương án cổ, có giá trị kiến trúc độc đáo, trong đó hương án đặt trong Thượng điện là tiêu biểu nhất, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện và vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân xưa.
Hương án cổ hơn 300 năm tuổi tại chùa Bút Tháp
Nét độc đáo của hương án này không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các chi tiết trang trí đề tài hình tượng rồng.
Chùa Bút Tháp còn lưu giữ gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả.
Cùng với điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp còn có trên 50 bức chạm đá phong phú hình chim thú, hoa, cây… đường nét, hình khối rõ ràng, không cầu kỳ nhưng rất tinh tế.
Với những giá trị độc đáo, chùa Bút Tháp được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962, đến năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Đánh giá về giá trị của ngôi chùa, ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định chùa Bút Tháp là ngôi chùa có giá trị to lớn, được ví như là bảo tàng cổ vật.
Qua công tác khảo sát, nghiên cứu, các tài liệu, hiện vật trong chùa phần lớn còn nguyên vẹn từ khi khởi dựng. Trong số 13 nhóm bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận, tại chùa đang lưu giữ 4 nhóm bảo vật.
Lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23-24/3 âm lịch hàng năm với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trải qua bao năm dài lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một di tích Phật giáo độc đáo nhất Việt Nam.
(Nguồn: truyenhinhdulich.vn)