Chùa Linh Phước là ngôi chùa trứ danh ở Đà Lạt với tên gọi chùa “Ve chai”, đây chính là ngôi chùa đặc biệt, sở hữu nhiều công trình kỷ lục nhất Việt Nam.
Xây chùa bằng ve chai nhằm bảo vệ môi trường
Được xây dựng từ năm 1949, đến nay chùa Linh Phước đã trải qua hơn 70 năm tuổi đời. Đây là công trình do Chư Tăng và Phật tử tại địa phương khởi công, nhưng lúc bấy giờ chỉ là một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ.
Trải qua 4 đời Trụ trì, đến năm 1990, ngôi chùa bắt đầu được trùng tu xây dựng lại và bổ sung thêm nhiều hạng mục mới. Từ đây chùa bắt đầu được biết đến nhờ sở hữu những hạng mục công trình độc đáo.
Từ khi chùa bắt đầu được trùng tu, điều gây ấn tượng nhiều nhất với quan khách chính là việc sử dụng rất nhiều phế liệu như: sành, sứ, mảnh chai bia, chai thuốc trừ sâu,… Các sư thầy cùng với phật tử đã phải mất nhiều năm đi mót chén bể mà xưởng bia bỏ đi. Sau này, thấy các thầy vất vả, xưởng tự gom chén bể lại và mang tới chùa bán. Người dân cũng gom những chai lọ, chén bát bể giúp chùa.
Những mảnh vỡ từ sành, sứ tạo nên vẻ đẹp độc nhất vô nhị cho cổ tự Linh Phước.
Đại Đức Thích Hạnh Định – Trị sự chùa Linh Phước chia sẻ: “Ý tưởng xây dựng công trình bằng vỏ chai phế liệu như mảnh sành, sứ, chai xì dầu, chai bia, vỏ chai thuốc trừ sâu,… xuất phát từ sự tình cờ, muốn tận dụng những phế liệu có khả năng sử dụng lại, đồng thời giúp bà con xử lý nguồn rác thải có thể gây ô nhiễm môi trường”.
Nhìn những khối kiến trúc độc đáo nằm trong khuôn viên chùa Linh Phước, thật khó để hình dung ra rằng, nó được làm từ những phế phẩm được vứt đi. Nhưng cũng chính nhờ thế ngôi chùa này lại càng thêm đặc biệt với du khách bốn phương. Toàn bộ công trình chính là sự góp nhặt, vận dụng sự sáng tạo để biến những vật bỏ đi trở nên có giá trị. Đó cũng chính là bài học mà thầy Hạnh Định thường nhắc đến trong các bài giảng của mình.
Chánh điện chùa Linh Phước. Ảnh: Internet
Chánh điện của chùa là một công trình đồ sộ, rộng 22m, dài 33m. Được xây dựng theo lối kiến trúc khảm sành, sứ công phu mang đậm nét đặc trưng Á Đông, với hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ công trình.
Đối với những ngôi chùa khác, việc khảm chỉ sử dụng cho những phần công trình chính, thì ở chùa Linh Phước, sành, sứ được khảm hoa văn, họa tiết ở hầu hết các hạng mục của công trình như: cột, tường, trần, hiên, mái vòm,…
Quá trình thi công, phần cốt bằng xi măng với các hoa văn hình rồng, phượng;…sẽ được xây dựng trước. Sau đó, các nghệ nhân sẽ phải tỉ mỉ lựa chọn mảnh sành, mảnh sứ theo hình dáng, màu sắc phù hợp, đắp vào các chi tiết của công trình.
Bên trái chánh điện chùa Linh Phước. Ảnh: Internet
Thầy Hạnh Định kể, tất cả các công đoạn cắt, xử lý mảnh chai, sành đều được làm hoàn toàn thủ công. Thời đó, thầy chuyên phụ các nghệ nhân việc đi nhặt và cắt chai lọ. Việc bị đứt tay, chảy máu là chuyện thường xuyên, nhưng làm quen việc thì mọi thứ cũng suôn sẻ hơn.
Để có đủ nguyên, vật liệu xây dựng, các Chư Tăng, Phật tử đã phải mua hàng trăm tấn sành, sứ từ Bát Tràng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương,…
Bởi vì sự công phu khi chọn thi công theo lối kiến trúc khảm sành, mãi đến năm 2018 chùa mới cơ bản hoàn thành tất cả hạng mục. Và cũng vì xây dựng bằng sành, sứ và tận dụng cả phế liệu, chùa được người dân mệnh danh với tên gọi chùa “Ve Chai”.
Nhiều công trình độc đáo
Công trình nổi bật và được nhiều người biết đến nhất ở Chùa Linh Phước chính là tượng Phật Bà Quan Âm bằng hoa bất tử. Xuất phát từ ý tưởng của Sư Trụ trì – Hòa Thượng Thích Tâm Vị, với mong muốn cúng dường mẹ hiền Quan Âm, cầu nguyện cho thế giới được thái bình, chúng sanh an lạc; và cũng là hưởng ứng lễ hội Festival hoa Đà Lạt năm 2010, Sư đã kiến tạo tượng Mẹ Quán Âm bằng 650.000 bông hoa bất tử (1,63 tấn hoa).
Pho tượng cao 17m với thân tượng cao 15,5m, tòa sen và đế cao 1,5m, do 600 phật tử và 30 nghệ nhân thực hiện trong 36 ngày. Tượng bao gồm phần đế, thân tượng và hào quang. Cốt tượng làm bằng thép chịu lực, được thiết kế trong tư thế đứng trên tòa sen, tay phải Mẹ Quán Âm cầm bình cam lộ, tay trái cầm cành dương liễu với ý nghĩa ban phước cho chúng sinh.
Theo giải thích của Đại Đức Thích Hạnh Định, hoa bất được sử dụng vì nó là một loại hoa đặc trưng của Đà Lạt. Nhắc đến hoa bất tử người ta hình dung đến tình yêu và sức sống dẻo dai của nó. Đặc biệt hoa có đặc điểm dù có thân mềm, nhỏ nhưng cánh hoa lại rất “bền”, hoa giữ được độ tươi rất lâu, màu sắc rực rỡ, rất thích hợp để làm tượng hoa.
Tượng phật Bà Quan Âm bằng hoa bất tử.
Bởi vì làm bằng hoa thật nên quá trình giữ gìn, trùng tu công trình tượng Phật Bà Quan Âm rất khó khăn. Mỗi 2 năm một lần các chư tăng, phật tử sẽ phải thay hoa một lần, mỗi lần đều tốn rất nhiều công sức, thời gian.
Quá trình sưu tầm đủ lượng hoa bất tử cũng là một công việc khó khăn. Hiện nay số lượng hoa bất tử ở Đà Lạt cũng rất ít. Do đó, mỗi lần tu sửa phải gom từ 1 đến 2 tháng mới đủ lượng hoa cần thiết. Số lượng hoa nhiều như thế cũng cần phải được phơi thật khô, sau đó dũ bụi mới có thể để được lâu, không bị hư mốc.
Có thể nói công trình tượng Phật hoa bất tử là thiết kế mang tính sáng tạo, kì công nhất ở chùa Linh Phước. Năm 2017, Liên minh kỷ lục thế giới (WRU) đã xác nhận kỷ lục thế giới cho công trình này.
Công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt nam
Một kỷ lục mà ai cũng muốn một lần chiêm ngưỡng ở chùa Linh Phước là công trình Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam. Công trình tái hiện lại Kinh Vu Lan Bồn, mô tả cảnh ngài Mục Kiền Liên đi tìm mẹ qua các tầng ngục, tận mắt chứng kiến vô vàn cảnh hình phạt tội nhân.
Mặc dù là công trình kỉ lục nhưng nó chỉ được xây dựng trong gần 4 tháng, từ sau ngày rằm tháng 4, đến rằm tháng 7 năm 2015 thì hoàn thành. Với phát tâm muốn hoàn thiện công trình trong mùa Vu Lan, hơn 10 nghệ nhân và nhiều Phật tử đã phải làm suốt ngày đêm. Thời gian ngắn, không gian thi công chật hẹp khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Công trình có chiều dài lên đến 300m, từ khi bước vào quan khách sẽ được chứng kiến từng tội trạng mà con người hay mắc phải, bắt đầu là: tội trộm cắp, sát sanh, dối trá, tham lam…được thuyết minh bằng chữ rõ ràng trước cửa ngục. Càng vào sâu bên trong địa ngục, càng xuất hiện những hình phạt thảm khốc hơn với những tội danh tăng nặng.
Cảnh địa ngục này cũng là thông điệp gửi gắm đến người đời phải tu tập hướng thiện để cứu mình và báo hiếu đấng sinh thành. Ảnh: Internet
Để tăng thêm tính chân thật, công trình được xây dựng kết hợp với những khối hình mang sắc thái dữ tợn, âm thanh, màu sắc, ánh sáng,…tạo cảm giác hồi hộp, sợ hãi như bước vào 18 tầng địa ngục thật.
Cái khó nhất khi xây dựng công trình Mục Kiền Liên tìm mẹ là việc thiết kế hình ảnh, không gian phía trong. “Mọi thứ phải trở nên hài hòa, đặc biệt là phải làm sao để mọi người khi bước chân vào sẽ có thể cảm nhận được cảm xúc chân thật nhất, như là mình đang bước giữa 18 tầng địa ngục thật. Từ sự sợ hãi giúp mọi người hướng về sự lương thiện, tìm về cái tốt đẹp”- Sư Thích Hạnh Định cho hay.
“Xá lợi toàn thân” hiếm có
Tượng sáp giống thật của Hòa thượng Thích Minh Đức ở chánh điện.
Không những được biết đến với những khối công trình “kỉ lục”. Chùa Linh Phước còn nổi tiếng bởi những câu chuyện tâm linh, rất khó lý giải. Câu chuyện nổi tiếng nhất phải kể đến “toàn thân xá lợi” của Hòa thượng Thích Minh Đức (sư tổ của chùa) sau 26 năm viên tịch.
Theo lịch sử của chùa, năm 1957, Hòa thượng Thích Minh Đức về làm trụ trì tại chùa Linh Phước. Đến năm 1984, Ngài rời chùa Linh Phước trở về tổ đình Long Bửu (nơi ngày đã tu hành trước đó) để an dưỡng và qua đời tại đây một năm sau.
Vào tháng 2/2010, nhà chùa tiến hành xây dựng lại bảo tháp mới 7 tầng cao 20 mét bằng đá. Trong lễ di dời hài cốt nhập tháp mới, khi khai quật, thi hài của vị hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay, tượng sáp của Hòa thượng Thích Minh Đức được đặt ở chánh điện của chùa Linh Phước. Pho tượng cũng gây được sự chú ý của nhiều người vì giống hệt như người thật từ nếp nhăn, chân tóc.
Chính nhờ sở hữu nhiều công trình độc đáo, nhiều kỷ lục nên chùa Linh Phước là địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, cầu bình an, may mắn.
(Nguồn: https://phatgiao.org.vn/)