Ngày lễ Giáng sinh, lễ Noel còn được coi là ngày Chúa Giê-su được sinh ra theo niềm tin của đạo Kitô giáo
Nguồn gốc ngày lễ Giáng sinh
Noel hay còn gọi là Giáng sinh, lễ Thiên Chúa giáng sinh hay Christmas, là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su ra đời. Theo phần lớn các tín hữu Kitô giáo, họ tin là Chúa Giê-su được sinh tại Bethlehem, thuộc xứ Judea, nước Do Thái (ngày nay là một thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, vào khoảng giữa năm 7 TCN và năm 2.
Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25 tháng 12 nhưng thường được mừng từ tối ngày 24 tháng 12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.
Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là ‘lễ chính ngày’, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là ‘lễ vọng’ và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.
Vào đêm ‘lễ vọng’, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng tượng Đức Mẹ Maria. Ở xung quanh đó là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giê-su…
Tuy nhiên, những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Juliêng để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.
Ý nghĩa lễ Giáng sinh
Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noel là một ngày lễ gia đình, một ngày đặc biệt để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình.
Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình: ‘Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế’, Noel cũng là ngày người ta dành sự cảm thông và sẻ chia chân thành với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh tật, già yếu…
Ý nghĩa từ “Merry Christmas”
Bản thân từ “Merry” đã gieo vào lòng chúng ta một niềm hân hoan, cảm giác ấm áp hạnh phúc vì nó gắn liền với dịp lễ Giáng sinh. Mặc dù các hoạt động tổ chức lễ Giáng sinh đã bắt đầu từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nhưng chỉ đến năm 1699, thì cách nói “Merry Christmas” mới được sử dụng.
Người có công rất lớn trong nguồn gốc của cụm từ này là một sỹ quan hải quân vì ông đã sử dụng từ này lần đầu tiên trong một bức thư thân mật vào năm 1699. Cụm từ này xuất hiện lần thứ hai vào năm 1843 trong một tác phẩm của Charles Dickens “Bài hát đón mừng lễ Giáng sinh”.
Trong dịp lễ giáng sinh, không chỉ có đạo Thiên chúa mà hầu như tất cả mọi người dù ở các giai tầng hay tôn giáo khác nhau cũng đều gửi đến nhau lời chúc “Merry Christmas”. Trong cụm từ Merry Christmas, “Merry” có nghĩa là niềm vui còn “Christmas” có nghĩa là các con chiên của chúa (cách dùng trong tiếng Anh cổ). Nhiều người sử dụng từ “Happy” thay cho “Merry” để chúc nhau trong dịp giáng sinh. Cụm từ “Happy Christmas” trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX, khi nó được sử dụng bởi chính nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Trong tác phẩm gốc được viết vào năm 1823 của nhà thơ Mỹ Clement Moore, “Chuyến viếng thăm thánh Nicholas”, câu kết luận vốn là “Happy Christmas to all, and to all a good night” đã được đổi lại thành “Merry Christmas to all” trong nhiều ấn phẩm tái bản về sau.
Ngày nay, cách nói “Happy Christmas” chỉ chủ yếu được sử dụng bởi các cư dân Ireland và Anh. Đôi khi để rút gọn, nhiều người còn sử dụng từ Xmas thay cho Christmas. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, không cụm từ hay cách nói nào có thể phổ biến bằng cụm từ “Merry Christmas”. Chúc bạn có một mùa Giáng sinh vui vẻ và hạnh phúc!
(Nguồn: Internet)