Trong cơ thể người cao tuổi, quá trình lão hóa xảy ra với các mức độ khác nhau sẽ làm giảm hiệu lực cơ chế tự điều chỉnh, giảm khả năng thích nghi và bù trừ, do đó không đáp ứng được những đòi hỏi của sự sống. Cần biết các thay đổi này để có biện pháp phòng bệnh phù hợp, sống vui khỏe, an yên với tuổi già.
Sự lão hóa trong cơ thể người cao tuổi được ghi nhận với những thay đổi toàn bộ các tổ chức, cơ quan, bộ máy của cơ thể gồm hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và hệ nội tiết.
1. Lão hóa hệ thần kinh
Hệ thần kinh có chức năng chỉ huy, điều hòa mọi hoạt động của cơ thể. Về mặt giải phẫu, khối lượng não bộ giảm dần trong quá trình lão hóa, chúng chỉ còn khoảng 1.180g ở nam và 1.060g ở nữ lúc 85 tuổi so với trọng lượng 1.400g đến 1.260g lúc 20 – 25 tuổi. Về mặt sinh lý, biến đổi thường gặp nhất là giảm khả năng thụ cảm như: giảm thị thực, thính lực, khứu giác, vị giác, xúc giác; các cấu trúc tiếp nối thần kinh cũng giảm tính linh hoạt trong sự dẫn truyền xung động; hậu quả là phản xạ vô điều kiện tiến triển chậm hơn, yếu hơn; hoạt động của thần kinh cao cấp có những biến đổi trong các quá trình cơ bản, giảm ức chế rồi giảm hưng phấn; sự cân bằng giữa hai quá trình này kém đi dẫn đến rối loạn, hình thành phản xạ có điều kiện; thực tế thường gặp trạng thái cường giao cảm, rối loạn giấc ngủ với giấc ngủ không sâu, ban ngày dễ ngủ gà ngủ gật.
Về mặt tâm lý, nhiều người sống lâu, có sức khỏe bình thường, vẫn giữ được một phong thái hoạt động thần kinh cao cấp như lúc còn trẻ; khi sức khỏe không ổn định, tâm lý và tư duy thường có những biến đổi và mức độ của những biến đổi này tùy thuốc vào quá trình hoạt động cũ, thể trạng chung và thái độ của những người ở chung quanh; trong các biến đổi đó có hai đặc tính chung là sự giảm tốc độ và giảm tính linh hoạt; dễ có sự đậm nét hóa về tính tình cũ, giảm quan tâm đến những người chung quanh và tình hình thế sự, ít hướng về cái mới mà thường quay về với đời sống nội tâm; trí nhớ và kiến thức chung về nghiệp vụ vẫn khá tốt nhưng thường giảm sức ghi nhớ những việc mới xảy ra, những vấn đề trừu tượng.
2. Lão hóa hệ tim mạch
Đối với tim, nếu không có bệnh lý gì đi kèm theo thì khi cao tuổi khối lượng nặng của cơ tim thường giảm, hệ tuần hoàn nuôi tim cũng giảm hiệu lực làm ảnh hưởng đến vấn đề dinh dưỡng của cơ tim. Sự biến đổi ở tim bên trái rõ hơn tim bên phải, nhịp tim thường chậm hơn lúc còn trẻ do tình trạng giảm tính linh hoạt của xoang tim. Lúc tuổi tăng cao đã có hiện tượng suy giảm tim tiềm tàng, giảm dẫn truyền trong tim, việc cung cấp khối lượng máu cho các cơ quan đặc biệt là cho tim và não bị giảm dần.
Đối với mạch máu, các động mạch nhỏ ngoại biên có đường kính hẹp lại làm giảm cung cấp khối lượng máu đến các mô tế bào, làm tăng sức cản, hậu quả là tim phải tăng sức bóp, tiêu hao nhiều năng lượng hơn và thường tăng khoảng 20% so với lúc còn trẻ. Tình trạng xơ cứng động mạch chủ cũng rất phổ biến. Tĩnh mạch giảm trương lực và độ đàn hồi, do đó dễ giãn ra. Tuần hoàn mao mạch giảm hiệu lực do mất một số mao mạch, đồng thời tính phản ứng của số còn lại cũng giảm.
Đến khoảng 70 – 80 tuổi, số nephron là đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của thận còn hoạt động sẽ giảm khoảng 1/3 hoặc 1/2 so với lúc mới sinh
Đối với thành phần sinh hóa của máu, chúng thường có liên quan đến hệ tim mạch. Khi tuổi đã cao, nhóm bêta lipoprotein tăng, đồng thời nhóm alpha lipoprotein giảm. Hoạt tính của men lipase phân hủy lipoprotein giảm dần. Lượng lipide toàn phần, triglycerid, axít béo không este hóa, cholesterol trong máu đều tăng. Khi ăn mỡ, máu tăng đông, hệ thống tiêu fibrin không tăng theo, các tiểu cầu dễ kết dính vào nhau. Nếu có tình trạng tăng huyết áp thì các đặc điểm nêu trên lại càng biểu hiện rõ.
Đối với huyết áp, ở những người khỏe mạnh bình thường khi tuổi đã cao thì huyết áp động mạch có tăng theo nhưng không vượt quá giới hạn. Thường huyết áp tối đa tăng đến 29mmHg và huyết áp tối thiểu tăng đến 8,6mmHg so với lúc còn trẻ, tuy nhiên nếu huyết áp tối đa vượt quá 160mmHg và huyết áp tối thiểu vượt quá 95mmHg thì không còn là hiện tượng sinh lý bình thường nữa.
3. Lão hóa hệ tiết niệu
Thận là một trong những cơ quan chủ yếu bảo đảm sự thanh lọc các chất cặn bã khỏi cơ thể. Hoạt động của thận là cơ sở thực hiện nhiều chỉ tiêu ổn định môi trường bên trong của cơ thể.
Về phương diện hình thái học, thực tế những biểu hiện lão hóa xuất hiện sớm ở thận do bắt đầu từ tuổi 20 đã thấy những biến đổi ở các động mạch nhỏ và trung bình của thận. Từ 30 tuổi trở lên, lưới động mạch nhỏ ở vi cầu thận co rút lại, cuối cùng làm biến mất một số vi cầu thận và làm teo các ống thận có liên quan. Đến khoảng 70 – 80 tuổi, số nephron là đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của thận còn hoạt động sẽ giảm khoảng 1/3 hoặc 1/2 so với lúc mới sinh. Những nephron mất đi được thay thế bằng mô liên kết, đó là hiện tượng xơ hóa thận của tuổi cao.
Về phương diện chức năng, mức lọc của vi cầu thận giảm dần. Ở người 95 tuổi, mức lọc của vi cầu thận chỉ bằng 59,7% so với lúc 20 tuổi. Sức cản của thận qua các mạch máu tăng dần theo tuổi như ở người 95 tuổi sẽ tăng gấp 3 lần so với lúc 20 tuổi. Hệ thanh thải urê cũng giảm theo tuổi như ở người 95 tuổi chỉ bằng gần 1/3 lúc 20 tuổi. Mặc dù có các mặt giảm thiểu nêu trên nhưng ở những người cao tuổi khỏe mạnh, không có hiện tượng tích lũy các chất đạm cặn bã trong máu nhờ đồng thời có sự giảm thiểu mức chuyển hóa trong cơ thể người cao tuổi, do đó có thể duy trì được tính ổn định của môi trường bên trong cơ thể. Tuy nhiên nếu có sự thay đổi đột xuất trong điều kiện sống, sự giảm thiểu hoạt động của thận dễ biến thành suy thận; đặc điểm này cần được lưu ý khi dùng thuốc điều trị có độc tính cao.
(Nguồn: Internet)