Nằm nép mình bên dòng sông Hậu, làng chiếu Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) nức tiếng với nghề dệt chiếu truyền thống hàng trăm năm tuổi, in đậm trong tâm người dân xa gần bằng vẻ đẹp quyến rũ sắc màu của những chiếc chiếu được làm từ cây lác mang đầy tính mỹ thuật nhờ những hoa văn rất nghệ thuật.
Huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không chỉ được biết đến như là quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn cây trù phú, mà nơi đây còn là “cái nôi” của nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp nơi – làng chiếu Định Yên. Năm 2013, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng chiếu Định Yên Đồng Tháp đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm. Nằm cạnh sông Hậu, vùng đất này có nhiều cồn, bãi bồi để phát triển tốt các loại nguyên liệu là cây bố và lác để làm ra sản phẩm. Những người bản địa cố cựu cũng không biết làng nghề có tự bao giờ. Theo các nhà nghiên cứu thì cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Khi vào phương Nam, lưu dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống.
Nghề dệt chiếu ở Định Yên được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. Chiếu được dệt bằng những sợi lác được chế biến xử lý qua nhiều công đoạn. Ở làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lác màu sắc sặc sỡ mềm mại phơi dưới đất và cả treo khắp đường đi. Tiếng khung dệt kêu lạch cạch, lách cách trong mỗi căn nhà từ đầu thôn đến cuối xóm vui tai, ấm áp…
Sắc màu ở Làng Chiếu Định Yên
Gọi là làng chiếu Định Yên nhưng hiện có tới gần 80% hộ dân ở hai làng Định Yên và Định An theo nghề truyền thống này. Vào những ngày trời nắng, từ đầu làng đến cuối làng, khắp nơi đều rực rỡ bởi sắc xanh, đỏ, tím, vàng trải dài của những bó lác được người dân phơi bên các cung đường dẫn vào làng.
Nhuộm lát
Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn. Theo một người làm lâu năm tại ấp An Bình, để làm được chiếu đòi hỏi người thợ phải lựa các sợi lác đều, không to quá cũng không được nhuyễn quá. Những sợi lác mang đi phơi nắng từ 30 phút đến một tiếng trước khi nhuộm đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng… trong nước đun sôi. Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi mới mang vào dệt.
Sợi lát nhuộm xong mang ra phơi nắng
Khi dệt xong, người thợ mang chiếu đi cắt bìa, may vải và phơi nắng. Trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. Để dệt một chiếc thường cần có 02 người, ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 01 người để xỏ lác là đủ.
Công đoạn cuối làm mịn chiếu
Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là Chợ chiếu (chợ ma), do chợ nhóm vào ban đêm, kéo dài khoảng 02 giờ đồng hồ rồi tan chợ. Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không ổn định. Giờ họp chợ đêm sau được quy định ở đêm trước và thay đổi luôn nhưng người mua, kẻ bán bao giờ cũng nắm được giờ giấc. Đây là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Định Yên, tuy là chợ nhưng chợ chiếu không giống với bất kỳ loại chợ nào khác trên cả nước.
Chợ chiếu ngày trước
Lý giải nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán ban đêm, ông Trần Văn Nghiệp, ngụ ấp An Lợi A có hơn 50 năm trong nghề cho biết. Trước đây do ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng hoặc miệt mài dệt chiếu nên đến tối mới rảnh rỗi và có chiếu bán. Thương thuyền ghe lái cũng ban ngày buôn bán nơi khác, tối về buông sào neo lại để mua. Do vậy, chợ chiếu thường họp vào ban đêm trong làn khói đuốc mỏng manh và hơi gió lành lạnh trên sông. Trong sân chùa cổ kính, dưới ánh đèn dầu leo lắt, những người họp chợ đi qua đi lại, lặng lẽ mờ ảo như những bóng ma… Vì thế, chợ chiếu Định Yên còn được gọi là chợ ma hay chợ âm phủ. Tuy nhiên, hiện nay, theo nhu cầu của thị trường, việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi.
Bên cạnh nét đẹp đa màu sắc ở làng chiếu Định Yên hiện còn có khu Chợ Lác mà bà con địa phương thường gọi là Bến Lác, nằm trải dài bên con kênh nhỏ phía trước Chợ Định Yên. Bến Lác là nơi neo đậu của vài chục chiếc ghe chuyên chở lác ở vùng Vĩnh Long về bán cho bà con làng chiếu Định Yên. Bến Lác Định Yên tấp nập người buôn kẻ bán ngược xuôi từ lúc sớm đến chiều muộn. Mỗi chiếc ghe chở khoảng chục tấn lác đã được phơi khô đóng thành từng cuộn và thường neo đậu ở bến này trong vòng 4, 5 ngày chỉ để phục vụ nhu cầu nguyên liệu lác cho bà con làng chiếu.
Ghe mua bán lát
Bà con trong vùng kể rằng, ngày xưa ở Định Yên có một cánh đồng rất lớn đầy cỏ lác để người dân khai thác dệt chiếu. Tuy nhiên, do sự biến thiên của đất trời, cánh đồng lác biến mất, bà con làng chiếu một thời gian phải bôn ba đi nhiều nơi tìm mua lác. Nhiều cư dân vùng Vĩnh Long, Cần Thơ thấy nhu cầu này nên đã thu gom lác và dùng ghe chở lác đến tận làng chiếu bán. Bến Lác xuất hiện ngay cạnh làng chiếu đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho người dân làng nghề. Bà con bây giờ vào bất cứ giờ nào trong ngày nếu hết lác là có thể ra bến lác chọn mua lác rồi thuê xe chở về tận nhà.
Sự hình thành khu Bến Lác với vài chục chiếc ghe tấp nập mỗi ngày cũng tạo thêm một nét đẹp, nét văn hóa buôn bán vô cùng thú vị ở vùng sông nước này. Và, cũng vì thế mà tạo ra những giá trị tăng thêm để phát triển du lịch tại vùng quê sông nước. Làng chiếu Định Yên vì thế ngày càng trở thành một địa điểm du lịch văn hóa làng nghề truyền thống thú vị, hấp dẫn cả khách trong và ngoài nước.
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)