Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy nghĩa là gì?

Quan niệm “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa của người Việt, nhưng người ta không xác định được chính xác nguồn gốc của câu nói dân gian này. Trải qua hàng nghìn năm, câu nói dân gian “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã trở thành một thành ngữ ăn sâu vào trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta vẫn thường được nghe câu “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Câu nói này được nhắc đến nhằm nhắc nhở chúng ta phải biết tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và công giáo dục, truyền dạy kiến thức của các thầy giáo, cô giáo.

Tết Cha Mẹ

Theo quan niệm của người Việt xưa, “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ” thì từ “cha” dùng để chỉ bên nội, từ “mẹ” dùng để chỉ bên ngoại. Vào mùng 1 Tết, các gia đình thường tập trung để chúc Tết bên nhà nội trước, sau đó, vào mùng 2 Tết, cả gia đình sẽ sang nhà ngoại chúc Tết. Ngày nay, người ta không còn quá phân biệt rõ ràng như vậy nữa mà thường gộp chung là mùng 1 và mùng 2 Tết cả nhà sẽ đi chúc Tết cả bên nội lẫn bên ngoại và người thân họ hàng.

Sau khi con cháu chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, vừa trò chuyện vui vẻ. Cuối cùng, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết bên nội, cùng trò chuyện và chúc nhau sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc.

Với người Việt, Tết là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần bên nhau. Ảnh: Internet

Đến ngày mùng 2 Tết, vợ chồng con cái sẽ “xuất hành” sang chúc Tết bên nhà ngoại – tức là bên “mẹ”. Đây là lí do người xưa gọi mùng 2 là “Tết mẹ”. Cũng với những nghi thức tương tự như ngày mùng 1 bên nhà nội, mọi người sẽ có những giây phút quây quần ấm áp bên nhau trong không khí tươi mới, tích cực và phấn khởi của mùa xuân.

Đặc biệt, với những nàng dâu lấy chồng xa quê, ít có điều kiện về thăm nhà, đây là cơ hội lí tưởng để sum vầy, hàn huyên với bố mẹ đẻ và thăm hỏi họ hàng, anh em, bạn bè sau cả một thời gian dài không gặp.

Tết Thầy – nét đẹp lâu đời

Câu nói “mùng 3 Tết thầy” nhằm thể hiện lòng biết ơn với những người thầy, người cô đã giảng dạy chúng ta. Vào mùng 3 Tết, các học trò thường tới thăm và chúc Tết những người thầy, cô đã dạy họ để thể hiện truyền thống “tốt sư trọng đạo” của văn hóa Việt Nam.

Ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mùng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.

Ngày xưa, tuy chế độ thi cử rất nghiêm ngặt với ba kì thi hương, thi hội, thi đình, song lại rất ít giáo chức, rất ít trường công, hầu hết là các lớp tư.

Có thể thầy mở lớp dạy học tại nhà, cũng có thể một gia đình khá giả mời thầy tới nhà, nuôi thầy dạy con ăn học, xóm làng xung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí, chỉ ngày lễ tết, cha mẹ học trò mới tới cám ơn thầy, lễ tết tùy tâm, tùy cảnh. Giàu có thì thúng gạo nếp, con gà, bộ quần áo…, nghèo thì cơi trầu, be rượu cũng là quý. Vật chất tuy không nhiều nhưng sự trọng thị, tri ân thì thật là cung kính.

Thầy ở đây cũng không bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề, thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa…

Vào ngày này, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao, đều cố gắng tụ tập ở nhà trưởng tràng, cùng các bạn đồng môn tới thăm hỏi và chúc Tết thầy cô cùng gia đình. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.

Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, lũ học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới…

Mùng 3 Tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy và nó đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của những học trò năm xưa.

Ảnh: Internet

Tri ân thầy cô thế nào

Với Tết thầy, cũng như với mẹ cha. Thường từ trước tết, phần “Lễ” đã được mang qua nhà thầy cô để cảm ơn và tri ân. Vì trong ngày Tết người ta không đưa đồ lễ sang để biếu xén nữa. Đến đúng ngày, các học trò có thể tụ họp nhau và hẹn một giờ qua chúc Tết. Không chỉ với bản thân người lớn, mà chính những em bé trong gia đình cũng nên được học, tiếp nối truyền thống tết thầy.

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chỉ một câu nói đơn giản nhưng chứa đựng trong đó biết bao là truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt trong nếp sống và tư duy. Đây là một giá trị phi vật thể, một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy.

(Nguồn: Internet)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.