Chùa Sắc tứ Tam Bảo – Kiên Giang – phần cuối

Chùa Tam Bảo là một ngôi chùa cổ tại thành phố Rạch Giá tọa lạc tại số 3 Sư Thiện Ân, Vĩnh Bảo, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử văn hoá vào ngày 23 tháng 3 năm 1988.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Rạch Giá.

Thời kỳ 1936 -1939 ở nước Pháp lực lượng dân chủ và tiến bộ dành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Chính phủ Pháp có nhiều cải cách đối với các nước thuộc địa. Đảng ta có chủ trương chuyển hướng hoạt động công khai. Tại chùa Tam Bảo, ta tranh thủ những người có cảm tình với cách mạng đứng ra thành lập hội Phật học kiêm tế Rạch Giá. Ban đầu chỉ có 3 vị sư là Hoà thượng Thích Trí Thiện, Thích Thiện Chiếu và nhà sư Pháp Linh chủ động làm nòng cốt thành lập Hội để biến chùa Tam Bảo trở thành một căn cứ kháng chiến bí mật. Danh từ “Hội Phật Học Kiêm tế” nghĩa là hội không chỉ nghiên cứu Phật học mà còn để thực hành “kinh bang tế thế”, dùng tôn giáo để hoạt động chính trị, lãnh đạo phong trào yêu nước tại địa phương.

Tháng 1 năm 1938 Hội ra tạp chí Tiến Hoá làm cơ quan ngôn luận. Thông qua tạp chí Tiến Hoá quần chúng nhân dân sẽ được giác ngộ cách mạng, từ đó mạnh dạn đứng lên đoàn kết thành một lực lượng cách mạng hùng hậu đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược. Ngày 1/1/1938 Tạp chí Tiến Hoá đã ra mắt số đầu tiên. Nội dung Tạp chí gồm các phần như: thông luận, diễn đàn, phê bình nghiên cứu, bách khoa thưởng thức, thời cuộc. Đây là tờ tạp chí có nội dung phong phú lành mạnh nhất so với các báo chí Phật giáo lúc bấy giờ. Mục triết học thường thức bàn về duy tâm luận và duy vật luận để quần chúng biết thế nào là duy vật biện chứng. Mục bách khoa thường thức để truyền bá khoa học. Mục y học hướng dẫn trị các chứng bệnh thông thường. Mục tin tức thường đưa tin về nước Pháp để quần chúng hiểu được nước Pháp không phải là cường quốc, nước Pháp không có gì đáng sợ.

Tạp chí Tiến Hóa nghiên cứu về Phật giáo nhưng có tư tưởng rất tiến bộ. Tư tưởng đó thể hiện như : Chống lại chính sách ngu dân, mị dân của thực dân Pháp, chống lại chính sách ru ngủ quần chúng bằng kinh sách, bằng mê tín dị đoan, Tạp chí tiến hóa còn đề cập đến vấn đề xã hội như mở trường học, lập cô nhi viện, lập phòng khám bệnh và phát thuốc, vận động tập thể dục vv….

Tạp chí Tiến Hóa là tạp chí cách mạng, tuyên truyền tinh thần yêu nước chống Thực dân Pháp và truyền bá chủ nghĩa Mác Lên nin. Báo ra được 15 số (1938-1939) thì phải đóng cửa trước sự bố ráp của kẻ thù.

Trạm giao liên của Tỉnh uỷ Rạch Giá:

Trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, nhiều cuộc họp bí mật của Đảng diễn ra tại chùa. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thất bại, Tỉnh uỷ lâm thời Rạch Giá chọn chùa Tam Bảo làm đầu mối giao thông liên lạc, đồng thời làm nơi cất dấu vũ khí từ rừng U Minh Thượng đưa về. Công việc đang tiến hành trôi chảy thì đầu tháng 6 năm 1941, cơ sở bị lộ.

Đêm 14/6/1941 lính mật thám Sa Đéc cùng Sở mật thám Rạch Giá bao vây chùa Tam Bảo, rồi một toán ập vào chùa lục soát, bắt người. Đồng chí Trương Minh Cụ có mặt trong chùa nhưng tẩu thoát. Đồng chí Cụ gặp đồng chí Lâm Xuyến là thợ điện ở nhà máy đèn Rạch Giá, hai người đi báo cho đồng chí Trần Văn Thâu chuyển số lựu đạn ra khỏi chùa Tam Bảo nhưng không kịp. Nhiều người đã chạy thoát. Trong chùa đêm đó chỉ còn Hòa thượng Thích Trí Thiện (tức Nguyễn Văn Đồng), Hoà thượng Thích Thiện Ân ( tức Trần Văn Thâu) thầy giáo Tất và một vài cô vãi.

Bọn lính lục soát từ Chánh điện, đến nhà Hậu tổ và các Liêu. Khi xét trong nơi ở của hoà thượng Thích Thiện Ân bắt gặp nhiều lon sữa bò, chão bể, cọ sơn, dầu hắc, những ống tre đựng tài liệu mật, những truyền đơn …. Vì không khai, hoà thượng bị giặc đánh đập tra tấn rất tàn nhẫn. Khi chúng đào từ vườn chùa phát hiện được một cái khạp trong đó đựng 61 quả lựu đạn. Địch tiếp tục tra tấn, trói Hoà thượng treo lên nóc chùa. Một lúc sau Hoà thượng dụ địch rằng, vẫn còn một vài chỗ cất dấu vũ khí. Chúng bèn hạ Hoà thượng xuống và cởi trói để người chỉ nơi còn vũ khí. Khi đi ngang qua chiếc bàn chứa đầy lựu đạn, Hoà thượng nói: “Đồ này không xài bây giờ thì còn xài lúc nào nữa”. Nói đoạn, Hoà thượng liền xô mạnh chiếc bàn, một tên mật thám đỡ bàn lại, chỉ có một quả lựu đạn rơi xuống gạch nổ tung, làm cho vài tên mật thám bị thương. Chúng lại tiếp tục treo thầy Thiện An lên cao, đánh đập tra khảo.

Cuối cùng bọn lính mật thám rút ra khỏi chùa, chúng bắt hết người, vơ vét tài sản. Những người bị bắt, chúng giải đi Sa Đéc (Đồng Tháp) rồi đi tòa đại hình ở Sài Gòn. Chúng tuyên án tám Đảng viên bị kết án tử hình là : Trần Văn Thâu, Tám Lọ, Ninh thợ bạc, Râu lớn, Râu nhỏ, Phan Văn Bảy …. Chị Hồng, chị Bé, chị Bưởi án chung thân khổ sai, Bảy Đà 15 năm tù ở. Hòa thượng Thích Trí Thiện (Nguyễn Văn Đồng) 5 năm tù biệt xứ, thầy giáo Tất được tha bổng.

Tiếng bom nổ tại chùa Tam Bảo chứng minh ngọn lửa cách mạng của nhân dân Kiên Giang vẫn rực cháy và sắp bùng lên đốt sạch quân xâm lược. Đó là bước chuẩn bị tất yếu góp phần vào thắng lợi lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới cho cả dân tộc ta.

Đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm

Sau sự kiện đêm 14/6/1941, chùa Tam Bảo bị chính quyền thực dân đóng cửa. Chùa trở nên hoang vắng đìu hiu. Trong chùa chỉ còn lại một vài bà vãi già chăm lo việc nhang khói. Phật tử cũng không dám bước chân đến chùa vì hàng ngày chùa luôn bị bọn mật thám canh gác. Cho đến khi Cách mạng tháng Tám thành công thì bọn thực dân mới run sợ, chúng cho mở cửa chùa để làm dịu bớt tình hình. Nhân đó tăng ni Phật tử mở một Đại trai đàn cầu siêu cho Hoà thượng Thích Trí Thiện, Thiền sư Thích Thiện Ân cùng các đồng chí đã hy sinh. Năm 1951 Hội Phật Học Nam Việt tỉnh Kiên Giang tiếp quản chùa và đặt trụ sở tại đây. Chùa dần trở lại sinh hoạt tín ngưỡng thu hút Phật tử trong tỉnh đến chiêm bái ngày càng đông. Hội hoạt động mạnh từ năm 1955 -1968 tham gia vào cuộc đấu tranh của Phật Giáo chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Mặc dù chùa luôn đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của mật vụ, nhưng lực lượng đấu tranh vẫn thành công trong việc rải truyền đơn và phát tờ tin kêu gọi nhân dân vùng lên chống ách kìm kẹp của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Khoa Điềm đến thăm chùa Tam Bảo năm 2000 – Ảnh : Internet

“Sắc Tứ Tam Bảo Tự”là ngôi chùa cổ kính có niên đại từ thế kỷ 18, trải qua những bước thăng trầm lịch sử, chùa đã có đóng góp nhất định vào phong trào giải phóng dân tộc. Chùa là một cơ sở bí mật để vận động phong trào yêu nước trong giới tôn giáo giai đoạn 1930 -1945 và đấu tranh chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm nhưng năm 50 -60 của thế kỷ trước. Đây là trụ sở của Hội Phật Học Kiêm Tế, xuất bản tạp chí Tiến Hoá, phát triển các hoạt động từ thiện xã hội như: mở phòng thuốc miễn phí, mở lớp học bình dân, cô nhi viện vv…Đó chính là “Đoá hoa sen đỏ rực” ánh hào quang bác ái của đức Phật tỏa hương giữa đời thường. Chùa Tam Bảo còn là nơi ghi dấu chiến tích anh hùng thời kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược, đây là nơi chế tạo và tàng trữ vũ khí, nơi in truyền đơn, là đầu mối giao liên giữa Xứ uỷ Nam kỳ và Tỉnh uỷ Rạch Giá. Sự hy sinh cao đẹp của Thiền sư Thích Thiện Ân và các nhà sư yêu nước của chùa Tam Bảo đã góp phần viết nên trang sử anh hùng của Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang. Năm tháng đi qua nhưng hình ảnh của các nhà sư yêu nước sống mãi trong tâm hồn các Phật tử và nhân dân Kiên Giang.

(Nguồn: dulich.petrotimes.vn)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.