Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận , cách trung tâm thành phố Huế 5km.

Dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu

Năm 1601, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây dựng (thực ra là trùng kiến) chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, cạnh dòng Hương Giang. Ngôi chùa được các chúa Nguyễn rồi các vua Nguyễn xem là quốc tự, chăm lo tu bổ, mở mang, tôn tạo, bảo quản và xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc, làm cho diện mạo ngôi chùa ngày càng độc đáo. Hơn 420 năm trải qua bao thăng trầm, chùa Thiên Mụ vẫn luôn là ngôi đại danh lam, một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của vùng đất Cố đô.

PGS. TS. Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam cho rằng, từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho xây chùa từ năm 1601 đến khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị năm 1945, lịch sử vương triều Nguyễn gắn bó với chùa Thiên Mụ 344 năm. Từ quan niệm kiến trúc đến tư tưởng triết lý ẩn đằng sau công trình chùa Thiên Mụ, từ bố cục kết cấu tổng thể, đến chi tiết các trụ biểu, tháp cổng, lầu chuông trống, kiến trúc điện thờ, các nét chạm trổ, hoa văn, các tượng thờ, cây cảnh… tất cả đều in bóng của các kiến trúc sư lỗi lạc của triều đình và con mắt bác học của các vị hoàng đế vương triều chỉ đạo.

Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Chu đã in dấu ấn sâu đậm vào tổng thể kiến trúc cũng như không gian của chùa. Năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung lớn nhất xứ Đàng Trong với cách trang trí rất đẹp, sắc sảo, nội dung thể hiện sự tổng hợp tinh tế của tư tưởng tam giáo. Chuông này được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013. Năm 1714 lại cho đại trùng tu chùa và biến nó thành ngôi chùa có quy mô to lớn, tráng lệ chưa từng có.

Chùa Thiên Mụ hướng nhìn ra dòng sông Hương hiền hòa. Ảnh: Internet

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng chùa. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần trùng tu chùa nhưng quy mô thế nào thì sử liệu không nói rõ. Chỉ có sau lần đại trùng tu năm 1714 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu thì quy mô, diện mạo kiến trúc của chùa mới được mô tả khá đầy đủ.

Lúc này, chùa có đến hàng chục công trình: Điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh. Hai bên là lầu chuông, lầu trống, điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà Tri Vị, rồi phòng tăng, nhà thiền… Phía sau lại có vườn Tỳ gia, trong đó có nhà phương trượng đến mấy chục sở. Hòa thượng Thích Hải Ấn, Trưởng ban điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán nhấn mạnh, qua những công trình, hiện vật, đặc biệt là tấm lòng mộ đạo, chúa Nguyễn Phúc Chu đã có những đóng góp lớn. Đến nay, chùa Thiên Mụ được trùng tu qua nhiều lần nhưng đáng kể nhất là lần đại trùng tu diễn ra dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Diện mạo của chùa từ lần đại trùng tu ấy đến nay vẫn còn để lại nhiều dấu tích, không chỉ trên quần thể kiến trúc của chùa mà còn ở trong nhiều văn bản, tài liệu, văn chương…

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Từ năm 2003 đến 2006, chùa Thiên Mụ được đại trùng tu với 18 hạng mục công trình khác nhau. Đây được xem là đợt trùng tu lớn và toàn diện tại ngôi chùa này sau hàng trăm năm, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và nhà chùa tiến hành với tổng kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Trong đó, tháp Phước Duyên bị hư hại nghiêm trọng và bị nghiêng 7 độ, đã được đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ lưỡng để trùng tu bảo tồn những yếu tố gốc, xử lý được độ nghiêng của tháp và áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để gia tăng khả năng chịu lực, chịu gió bão cho công trình.

Theo TS. Phan Thanh Hải, chùa Thiên Mụ không chỉ hấp dẫn du khách bốn phương bằng cảnh trí tuyệt đẹp và những giá trị lịch sử hiếm có mà còn bởi những cổ vật quý giá. Chiếc khánh đồng đúc năm 1677 là một bảo vật tuyệt đẹp với giá trị nghệ thuật cao; tấm hoành phi do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng từ năm 1714 sau khi trùng tu chùa cũng là một cổ vật bằng gỗ hiếm có; Đại Hồng Chung được đúc từ năm 1710 được công nhận là bảo vật quốc gia… Những cổ vật này góp phần quan trọng làm tăng thêm các giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của chùa Thiên Mụ.

Khám phá kiến trúc cổ của chùa Thiên Mụ

Điện Đại Hùng: Đây là ngôi chính điện trong chùa, kiến trúc kiểu Trùng thiền điệp ốc. Đền được phục chế năm 1959, các cột kèo, lăng, bệ được xây dựng bằng bê tông bên ngoài một lớp sơn giả gỗ. Trong điện thờ tượng phật Di Lặc. Phật có tai to để nghe những chuyện khổ của thiên hạ, bụng to để bao dung những chuyện khổ dung trong thiên hạ, miệng rộng hay cười những chuyện khó cười trong thiên hạ. Ở bức hoành phi trên cao có 4 chữ “ Linh Thửu Cao Phong” do chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714, ngoài ra trong điện còn treo một cái khánh đồng khá lớn chạm hình nhật nguyệt, tinh tú và khắc những dòng chữ cho biết khánh này do một vị quan người Quảng Trị là Trần Đình ân thuê đúc năm 1677 để cúng cho chùa. Người ta so sánh nơi chùa tọa lạc giống như đồi Linh Thửu ở đất Ấn Độ, nơi đất Phật đắc đạo.

Điện Đại Hùng. Ảnh: Internet

Qua khỏi nơi thờ tượng Di Lạc, ở bên trong người ta thờ Tam Thế Phật ở chính giữa, hai bên là Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền. Đi theo lối bên hông điện ra phía sau vườn là nhà trưng bày những hỉnh ảnh và chiếc xe của hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu vào năm 1963 để chống chế độ đàn áp Phật giáo.

Sau nữa là mộ tháp của hòa thượng Thích Đôn Hậu, người trụ trì tại tại đây. Ông là phó chủ tịch hội phật giáo yêu nước trong thời kỳ chống Mỹ, người có công trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo ở Huế cũng như ở Việt Nam.

Điện Địa Tạng: Điện Địa Tạng ở phía sau lưng điện Đại Hùng, cách một khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh. Dấu vết nền cũ của điện Di Lặc rất rộng, điện Địa Tạng nằm lọt trong nền này. Con đường bên trái điện Đại Hùng đi về phía trong chùa. Nguyên khi xưa, điện này được để thờ Quan Công (từ năm 1907) – một điều khá thường thấy ở các chùa Việt ngày trước, do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, và cho đến nay, các chùa lớn ở Huế vẫn còn có thờ Quan Công. Theo truyền thuyết, sau khi chết, Quan Công hiển thánh, biết việc âm dương, việc tốt xấu trong tương lai, vì thế mặc dù chùa là nơi thờ Phật, nhưng trong điện thờ Quan Công, người ta còn thờ cả một bộ thẻ xăm, thậm chí sư ở chùa làm luôn việc đoán xăm cho người đến cầu xăm.

Điện Quan Âm:  Ngôi điện này là công trình cuối cùng trong chùa. Với lối kiến trúc không quá đặc biệt, hoa văn được chạm trổ đơn giản, trong điện Quan m có thờ tượng Quan Thế m Bồ Tát được đúc bằng đồng đen, bên trên là bức hoành phi. Hai bên là tượng Điện Vương. Ở phía dưới là bức tượng đá được lưu giữ trong tủ kính, có hình dáng uyển chuyển, mềm mại, với ngón tay thon dài.

Tháp Phước Duyên: Đây là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Đây còn được gọi là Phước Duyên Bửu Tháp; Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m) dưới lớn trên nhỏ. Số 7 là con số linh của đạo phật. Hệ thống bậc cấp trước chùa cũng tính theo số 7. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn từ dưới lên trên, chỉ trừ giữa tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phải dùng cái thang di động bằng gỗ và cái cửa với chìa khoá đặc biệt, vì ở tầng trên cùng này xưa kia có thờ tượng Phật bằng vàng.

  • Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi)
  • Tầng hai thờ đức Phật Thi Khí (Sikkhi)
  • Tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu)
  • Tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha)
  • Tầng năm thờ đức Phật Câu Na Hàm (Konagamana)
  • Tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp (Kassapa)
  • Tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương. Còn có tôn giả Ca Diếp và A Nan thờ bên cạnh

Tháp Phước Duyên. Ảnh: Internet

Đình Hương Nguyện: Cũ là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ rất đặc biệt của thời vua Thiệu Trị (1841-1847), hiện chỉ bảo lưu được bộ sườn. Đình Hương Nguyện được xây trước mặt tháp Phước Duyên. Trong trận bão năm Thìn (1904), đình bị đổ. Để cho không gian tại đây được thoáng, sau đó người ta đã đem ngôi đình cũ vào dựng lại tại nền điện Di Lặc xưa để thờ Đức Địa Tạng. Đây là nguyên mẫu một ngôi nhà tứ giác độc đáo của 150 năm trước. Đứng trong nhà nhìn lên, chúng ta thấy hình bát quái được cấu trúc khéo léo ở nóc. Có một số thơ chữ Hán được khảm nổi trên panô trang trí ở các liên ba.

Tam Quan: Đây là lối ra vào chính của chùa, tọa lạc phía sau Tháp Phước Duyên. Cổng có 3 lối đi, tượng trưng cho 3 giới: Nhân – Quỷ – Thần. Cổng được thiết kế với 2 tầng và 8 mái. Ở tầng 2 của cổng giữa có thờ Phật. Trên đỉnh mái được trạm trổ nhiều họa tiết hoa văn vô cùng độc đáo. Phía 2 bên lối đi được trấn giữ bằng tượng Hộ Pháp.

Cổng tam quan. Ảnh: Internet

Lầu Lục giác, Tứ giác phía trước: Là các công trình chứa các văn vật gốc: các bia đá khắc bi ký của vua Thiệu Trị, bia đá và rùa đội bia đá thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Đại Hồng Chung cùng thời. Các công trình này đều kết cấu gạch đá, trên nhà Lục Giác phía Đông còn một số họa tiết trang trí và bức họa cổ diệm. Đã thực hiện căn chỉnh cân đối bia đá, phục hồi nền đá, chống nứt cho tường, phục hồi màu sắc, hoa văn một cách hài hòa bằng thủ pháp chấm màu đa sắc.

Bảo vật quốc gia

Đại Hồng Chung: Là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) – nối đời thứ 30 dòng thiền Tào Động, pháp danh Hưng Long, cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng 3285 cân (hơn 2000kg), cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối; hoa văn và những motif trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp. Được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2013.

Đại Hồng chung. Ảnh: Bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”: Được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) dựng năm 1715 trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ là một trong những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn với những giá trị độc đáo còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, trên bia khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán (không bao gồm các chữ trên trán bia và các con dấu), kiểu chữ chân phương.

Mặt trước bia. Ảnh: Bảo tàng cổ vật cung đình Huế

Lưu ý khi đến chùa Thiên Mụ

Trang phục: Khi đến thăm chùa Thiên Mụ Huế hay bất kể ngôi chùa nào, phong cách trang phục luôn đề cao sự nhã nhặn, kín đáo. Không nên mặc váy hoặc những bộ quần áo quá ngắn. Điều này thực sự kỳ cục khi bạn đến thăm một ngôi chùa. Ngoài ra, hãy lựa chọn màu sắc trang phục hợp với tone của chùa nhé, lên hình sẽ đẹp hơn đó!

Lời nói: Với không gian trầm lắng, yên tĩnh, một vài tiếng cười đùa lớn tiếng sẽ biến bạn thành người thật lố bịch trong mắt những du khách khác. Vì vậy, hãy cố gắng giữ trật tự, đi đứng không chen lấn để đảm bảo sự tôn nghiêm nơi cửa phật nhé!

Mang theo nước: Trong chùa không có mở hàng quán hay các dịch vụ ăn uống. Vì vậy, bạn nên mang theo nước và một số đồ ăn nhẹ. Sau khi sử dụng, bạn nhớ vứt rác đúng nơi quy định nhé!

(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.