Chùa Từ Hiếu thuộc phường Thủy Xuân, Thành phố Huế. Chùa Từ Hiếu là một danh lam thắng tích, nằm trên đường Lê Ngô Cát dẫn lên lăng Tự Đức. Đây nguyên là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định khai sáng, là nơi có nhiều thái giám triều Nguyễn quy y. Sau ngày nhà sư Nhất Định viên tịch năm 1848, các thái giám đã quyên góp tiền, xây dựng một ngôi chùa ba gian hai chái, vách xây, sườn gỗ, mái ngói, với nhà Lạc Nghĩa nằm bên phải, nhà Ái Nhật bên trái, được vua Tự Đức ban tặng tấm biển đề “Sắc tứ Từ Hiếu Tự”.
Lịch sử hình thành tổ đình Từ Hiếu
Theo truyền thuyết, tên gọi Từ Hiếu xuất phát từ việc vua Tự Đức cảm phục tấm lòng chí hiếu với mẹ của Hòa thượng Nhất Định, dù là bậc chân tu nhưng lúc mẹ già đau yếu, Hòa thượng vẫn không ngại lời đàm tiếu, hằng ngày đều đến chợ mua cá về nấu cho Mẹ.
Năm 1843, Hòa thượng Nhất Định, từ bỏ chức vụ “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” trong Hoàng Cung, sau cáo lão lui về ở ẩn để nuôi dưỡng mẹ già. Là người con có hiếu, tương truyền rằng có lần mẹ già ốm yếu, lâm bệnh nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng mãi vẫn không khỏi, nên phải bồi dưỡng thịt, cá để chóng lành, hàng ngày ông phải chống gậy băng rừng vượt qua 5km để mua thịt, cá mang về cho mẹ già ăn. Người dân thiên hạ đồn đoán là hòa thượng nhưng lại ăn mặn , bỏ ngoài tai những lời nói ấy, ông vẫn tận tâm chăm sóc mẹ già.
Ảnh: Dân trí
Câu chuyện đến được tai của vua Tự Đức, vốn là người con hiếu thảo, khi biết được chuyện nhà vua liền lấy lòng cảm kích trước tấm lòng của hòa thượng Nhất Định nên ban cho “Sắc tứ Từ Hiếu tự” .Đến năm 1848, sau khi thiền sư Nhất Định viên tịch, triều đình thấu hiểu lòng hiếu thảo, đức độ của vị sư này, nên cho người mở rộng và tu sửa Thảo Am thành chùa Từ Hiếu. Đối với người Huế, đây là câu chuyện cảm động về tình phụ tử, và từ đó chùa Từ Hiếu được cho là chốn an yên, thiền môn về đạo hiếu trong suốt thời gian qua
Trên tấm bia tại chùa Từ Hiếu còn ghi rõ:
“ Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại;
Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”
Nguyên sơ của chùa Từ Hiếu là một thảo am được làm bằng tre, lợp tranh. Năm 1848, một số thái giám trong Hoàng cung triều Nguyễn đã tâu xin triều đình hỗ trợ xây nên chùa Từ Hiếu có ba gian hai chái, cột kèo chạm trổ, phía sau xây Thống Hội Đường, phía trước xây Lạc Thiện Đường, phía phải xây Ái Nhật Đường và lầu bia.
Kiến trúc chùa Từ Hiếu
Xây dựng từ thế kỉ XIX, chùa Từ Hiếu ảnh hưởng rõ nét kiến trúc từ thời phong kiến. Những chi tiết rồng phượng được chạm khắc tỉ mỉ, phần hiên, cột chùa và mái ngói cũng được thêm vào nhiều hình tượng biểu tượng tạo nên một vẻ ngoài cực kỳ ấn tượng. Bên cạnh đó, khuôn viên chùa đẹp, thơ mộng với rừng thông cao vút, hồ nước trong veo tạo cho du khách cảm giác vô cùng thanh bình, tịnh tâm và thư giãn.
Chùa được đại trùng tu trong các năm 1885, 1894, 1962 và gần nhất là năm 2019 làm thêm tiền đường, nhà khách, nhà hậu, kết thành lối kiến trúc truyền thống chữ khẩu và dựng bia chùa. Năm 1931, chùa được trùng tu, làm lại bằng xi măng cốt thép, xây thêm cổng tam quan hai tầng mái, đào hồ bán nguyệt trước cổng chùa để nuôi cá cảnh, thả sen, súng.
Khuôn viên chùa rất rộng, tính tổng thể có khoảng chừng 50.000m2. Trước chùa là đồi thông tĩnh mịch, khe nước uốn lượn, khung cảnh tự nhiên thơ mộng, trên đồi thông có tháp Bồ Đề cổ kính, xây từ năm 1896, là nơi tàng trữ những pháp khí, pháp tượng và kinh sách đã bị hư nát. Phía Đông khu đồi thông là lăng bà phi Chiêu Nghi Trần Thị Xạ với tấm bia cổ, một kiến trúc duy nhất trong số lăng tẩm của gia đình các chúa Nguyễn ở Huế thoát khỏi sự tàn phá của nhà Tây Sơn. Sân chùa có hai nhà bia hình lục giác ở hai bên. Đặc biệt, trong vườn chùa còn có mộ tháp của Tổ Nhất Định, có khu vực nghĩa trang độc đáo của các thái giám triều Nguyễn với kiểu dáng kiến trúc cổ kính, u tịch.
Điều khiến du khách không ít tò mò, chính là nghĩa trang, đây là nơi an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn. Theo như lời xưa kể rằng, Ngôi chùa Từ Hiếu được tu sửa, xây dựng nhờ vào sự giúp đỡ của một vị thái giám có tên là Châu Phước Năng, là người có số phận bất hạnh, không có người thân khi về già, ông kêu gọi các vị thái giám trong triều đình đóng góp mở rộng Thảo Am, để sau này khi chết còn có nơi thờ tự, hương khói. Vì thế, sau này các thái giám khi chết được chôn ở một ngọn đồi nhỏ bên cạnh chùa Từ Hiếu.
Đại Đức Thích Từ Hải, một phật tử tu hành lâu năm ở chùa, cho biết: “Trước đây những ngôi mộ này rất ít người biết đến. Hàng năm, cứ vào tháng 11 âm lịch, Chùa lại tổ chức hiệp kị, cúng viếng cho các vị thái giám này. Cũng chính vì thế nên nhiều người thương xót số phận, nên khi đến chùa cũng đến để thắp hương bày tỏ lòng thương cảm”.
(Nguồn: http://visithue.vn/)