Điếm Xóm Chùa – Cổ Loa

Xóm Chùa còn được gọi là xóm Hậu Miếu, có lẽ là do nằm sau ngôi đền thờ An Dương Vương từ rất xa xưa. Ngôi điếm được xây dựng cạnh đường vào đình Ngự Triều Di Quy, sát cửa Nam của thành Nội. Khu đất này rộng chừng 600m2 nằm trên mặt thành Nội, ngay đầu xóm, phía trước có hồi nước – dấu tích của con hào ngoài thành, nay đã bị mất gần hết.

Điếm được xây dựng năm 1899 (theo dòng niên đại ghi trên câu đầu), công trình chính là một kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhị gồm Đại bái, Hậu cung (trên ảnh là cổng vào của điếm).

Điếm xóm Chùa

Phía trước Điếm có một hồ nước, là dấu tích của con hào ngoài thành, nay đã bị mất gần hết. Giữa hồ đặt tượng Cao Lỗ, vị tướng tài của vua An Dương Vương. Người ta thường biết đến tướng Cao Lỗ chế tạo nỏ thần liên châu, hay còn được gọi là “Linh Quang Thần Cơ” là một loại nỏ với mũi tên bằng đồng 3 cạnh có tính sát thương cao, mà mỗi lần bắn được nhiều phát.

Tượng Cao Lỗ đặt giữa hồ

Nhìn tổng thể, điếm có mặt bằng bố cục hình chữ “đinh” gồm tiền tế và hậu cung, diện tích hơn 100m2. Thực chất tiền tế và hậu cung là hai kiến trúc song song kiểu chữ “Nhị”, nhưng gần đây đã được sửa lại kéo dài thêm hậu cung và có tường bao chung nên từ bên ngoài khó nhận ra được.

Công trình này quay hướng chính nam nhưng lối đi vào lại từ phía đông, phải qua một cổng nhỏ, tiếp đến là sân dưới, từ đó lên sân trên tiếp giáp với nền nhà cao 0,6m, có bậc tam cấp chạy suốt mặt trước nhà tiền tế.

Nơi đặt tượng đá của tướng quân Cao Lỗ trông sang sẽ thấy tiền tế và hậu cung, có diện tích hơn 100m²

Tiền tế là một kiến trúc khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài có đao bốn góc, có đắp trang trí cụm vân mây hoa lá dạng đầu rồng cuốn sát các góc đao. Sáu bộ vì khung gỗ đã chia mặt bằng tiền tế ra làm 5 gian bằng nhau, xung quanh được ghép gỗ kín chỉ chừa 3 gian trước và một gian sau để làm lối đi với bộ cánh cửa kiểu “thượng song hạ bản”. Bộ vì kèo ở đây được làm theo kiểu “con chồng, kẻ chuyền”, mái phân “thượng tứ, hạ ngũ”, với bốn hàng chân cột. Hiện vẫn còn lại lỗ mộng sàn trên các cột gỗ của các gian bên, cách mặt nền nhà 0,6m. Đó là dấu tích của một công trình cổ.

Hậu cung chỉ là một kiến trúc nhỏ nối với tiền tế ở một gian giữa có cửa cánh gỗ. Bên trong có bệ gạch đặt ban thờ sát tường hậu cung. Trang trí nội thất của điếm chủ yếu tập trung ở gian giữa tiền tế với hai bức hoành phi phía trên, hương án phía dưới có đôi hạc thờ bằng gỗ và nhiều đồ thờ như: chiêng trống, cờ quạt, chân hương … Tất cả được trang hoàng lộng lẫy và rất trang trọng tôn nghiêm.

Điếm xóm Chùa thờ linh thần, thổ công, thổ địa và cả thuỷ thần. Hiện ở phía đông mặt sân trước còn một giếng cổ xây miệng hình bát giác bằng đá xanh. Cạnh giếng là một miếu nhỏ thờ thuỷ thần.

Chánh điện thờ Tướng Cao Lỗ

T heo người dân trong làng, ở đây mặc dù có 5 nơi thờ, nhưng chỉ có hai bức tượng bằng đồng duy nhất là bức tượng Vua Thục Phán An Dương Vương nặng 350 kg đồng và tượng tướng quân Cao Lỗ nặng 250 kg đồng. Ngoài ra, ở điếm còn thờ tướng Cao Lỗ – người đã chế ra nỏ thần theo truyền thuyết, hiện cũng được thờ cùng với An Dương Vương ở đình “Ngự triều di quy”. Cách đây khoảng hơn 20 năm, ở địa phương đã cho dựng tượng Cao Lỗ trên mặt hồ trước điếm. Vì thế, nay nhiều người quen gọi là đền thờ Cao Lỗ.

Bên cạnh đó, ở phía đông mặt sân trước còn có một giếng cổ xây miệng hình bát giác bằng đá xanh. Có độ sâu khoảng 7 mét, rộng chừng 2 mét. Được biết, giếng đã tu sửa và chắn mạch, ngăn dòng nước dâng lên đến miệng giếng để tránh trẻ con lại gần. Phía cạnh giếng còn có một miếu nhỏ thờ thuỷ thần.

Điếm cũng là nơi thường xuyên tổ chức hội họp của địa phương. Do ở vào vị trí thuận lợi – cửa ngõ vào Khu di tích Cổ Loa nên điếm xóm Chùa có đông khách đến thăm viếng cúng lễ, nhất là vào mùa xuân – mùa lễ hội.

(Nguồn: thanhcoloa.vn)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.