Ký ức dân gian và tín ngưỡng thờ Thần Cọp ở Nam Bộ

Trong những buổi đầu các bậc tiền nhân “mang gươm đi mở cõi” vùng đất Nam Bộ, họ phải đối mặt với nhiều loại thú dữ như cọp ở trên bờ, cá sấu ở dưới sông. Chính bởi thế, trong đời sống tâm linh, ngoài tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, các vị nhiên thần, nhân thần, người dân Nam Bộ còn có tục thờ thần cọp tại các ngôi đình, miếu, đền.

Từ ký ức dân gian

Người dân Nam Bộ vẫn lưu truyền trong dân gian nhiều câu chuyện, ký ức về loài cọp gắn liền với tiến trình con người khai khẩn vùng đất mới. Đó là những câu ca dao nói về vùng đất Nam Bộ xưa, với nét hoang sơ, rậm rạp, u tịch, sông sâu, thú dữ. Trong đó, loài cọp và cá sấu chính là mối đe dọa thường xuyên cản trở công cuộc khai khẩn lập ấp và tính mạng con người: “Đồng Nai địa thế hãi hùng/Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”; hay “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Thế kỷ XVII đến XVIII, ở vùng đất Nam Bộ cọp nhiều vô kể, chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long…Nhiều địa danh ở Nam Bộ có liên quan đến cọp như đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang), cù lao Ông Hổ (An Giang)…

Trong cuốn sách “Lịch sử khẩn hoang”, Nhà xuất bản Đông Phố, Sài Gòn xuất bản năm 1973, cố nhà văn Sơn Nam viết: “Những năm 1947 – 1948 ở Tây Ninh cọp từ rừng về làm loạn, từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng lệnh giới nghiêm được ban ra để tránh cọp. Vào những giờ ấy ngoài đường không một bóng người”.

Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Nhưng dần dần vùng rừng rậm bị khai phá, nguồn thức ăn của cọp ngày càng khan hiếm nên cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để bắt heo, vồ người. Chính vì quá khiếp sợ trước sự hung dữ của loài cọp, nên người dân Nam Bộ ai cũng tìm cách diệt cọp để trừ họa. Trong dân gian đã xuất hiện nhiều truyện kể ly kỳ về những tấm gương võ nghệ cao cường, dũng cảm, mưu trí diệt cọp như, hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng, Bảy Giao, Chín Quỳ, ông Yến, ông Tăng Chủ…

Đến tục thờ cúng

Ở Nam Bộ từ xưa, khi vùng nào đó diệt được cọp, người dân đều vui mừng khôn xiết, nhưng ngay sau đó họ đều lập miếu thờ thần cọp, thậm chí có nơi còn đưa xác cọp về phục chế, bảo quản để thờ. Người dân Nam Bộ không ai dám gọi cọp là “con” mà gọi bằng ông “Thầy”, ông “Hổ”, ông “Khái” hoặc “Hương quản”.

Bàn thờ hổ ở đình Bình Thọ (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Chính vì xem cọp là biểu tượng của quyền lực mà người dân Nam Bộ lập miếu thờ thần cọp với những danh xưng cao nhất như: “Sơn quân chi thần”, “Sơn lâm đại tướng quân”, “Sơn quan chú động”, “Chúa xứ sơn lâm”, “Mãnh Hổ”, “Thần Hổ” “Thần Cọp”, “ông Thầy”, “ông Cả”, “Ngài”, “ông Ba Mươi”, “Hương quản”… Trước các ngôi đình thường có những bức bình phong, hương án trấn cửa đình được chạm trổ, đắp nổi tượng, phù điêu hoặc vẽ thể hiện hình tượng vị chúa tể rừng xanh với dáng vẻ rất uy nghi, dũng mãnh.

Dân gian Nam Bộ còn có tục lệ là vào ngày mồng ba tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn Thần Cọp sẽ trấn giữ không cho những tà khí, ma quỷ vào nhà.

Các đình làng ở Nam Bộ phần lớn đều có miếu thờ thần cọp, tọa lạc về phía trái sân đình, với tước “Sơn Lâm chúa tể”. Phong tục thờ cúng ở đình làng Nam Bộ từ xưa đã mặc định “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” hoặc thờ Sơn quân. Đây là một quan niệm về thuật phong thủy xem thế đất của đình là mạch quý, với bên tả có Thanh Long bảo vệ, bên hữu có Bạch Hổ trấn giữ nên sẽ không sợ có yêu ma quỷ nào xâm phạm.

Người Nam Bộ xưa cũng quan niệm, Bạch Hổ là Thần (Thần Cọp), hổ tu thành tiên, không ăn thịt, không hại người, ngược lại còn phù trợ cho dân làng. Nhiều nơi trong ngày lễ cúng đình, ngoài việc cúng tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, người ta còn tổ chức nghi lễ riêng cúng tế thần cọp gọi là tế sơn quân, nghĩa là tế thần cọp.

Lễ vật cúng thần cọp gồm mấy lá sớ gói trong giấy hồng thường gọi là hồng đơn và một thủ dĩ (đầu heo) để sống. Sau khi trình cúng tại miếu, dân làng sẽ đem lễ vật lên một ngã ba hay ngã tư đường rừng đặt đó. Nếu qua đêm, hôm sau thủ dĩ và các tờ sớ mới viết mất, thì dân làng tin thần cọp chấp nhận lễ cúng và về nhận tờ sớ. Nếu lễ vật vẫn còn nguyên thì xem như thần cọp từ chối không nhận, sớ phải đốt đi, thủ dĩ phải đem chôn.

Tín ngưỡng thờ cúng thần hổ trong các ngôi đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn của người Việt ở Nam Bộ và cho đến ngày nay vẫn được duy trì./.

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.