Lạc vào thung lũng mặt trăng ở Jordan

Sa mạc Wadi Rum ở Jordan được mệnh danh là ‘thung lũng mặt trăng’ nhờ khung cảnh màu vàng đỏ đặc trưng và những cồn cát lớn. Nơi này được chọn làm bối cảnh trong nhiều phim viễn tưởng và thu hút nhiều du khách đến thăm

Jordan, một quốc gia nằm trên bán đảo Ả Rập, có diện tích hơn 90,000 km2. Phía bắc giáp Syria, phía đông bắc giáp Iraq, phía tây và tây nam giáp Israel và lãnh thổ của người Palestine, phía đông giáp với Arab Saudi, phía nam có đường bờ biển hơn 30 km thuộc vịnh Aqaba, từ đây có thể đi qua Ai Cập khá dễ dàng. Hơn 80% lãnh thổ Jordan bao phủ bởi sa mạc, sa mạc là một phần không thể thiếu trong văn hoá Jordan.

Thung lũng Wadi Rum

Wadi Rum hay còn được gọi là “thung lũng của mặt trăng”, nằm ở phần phía nam của Jordan, cách thủ đô Amman khoảng 300km, một vùng đất sa mạc khô cằn nhưng có các ngọn núi sa thạch bao phủ xung quanh tạo thành một thung lũng với những nét đẹp huyền ảo.

Qua hàng triệu năm, tác động của mưa gió, cát bụi…. những ngọn núi sa thạch ở đây đã được bào mòn tạo thành các hình thù vô cùng độc đáo, kỳ bí.

Sự sống nơi sa mạc

Với khí hậu khô cằn, lượng mưa trung bình ở Jordan rất thấp, khoảng 50 ml/năm. Chỉ trừ một vùng nhỏ ở phía bắc thì có lượng mưa cao hơn có thể đạt được từ 300 – 400 ml/năm. Đấy là nơi trù phú nhất của Jordan có thích hợp để làm nông nghiệp. Còn lại 80% đất đai của Jordan là sa mạc khô cằn.

Những cơn mưa ở sa mạc rất ít, nó luôn được chờ mong, khi một cơn mưa ào đến, cả thiên nhiên và con người đều hân hoan chào đón. Cây cỏ và con người đều cần nước. Dưới lớp đất cát khô cằn, sự sống cũng không kém phần mạnh mẽ.

Nhiều loài cây, loài cỏ dại, những cây dây leo mọc rãi rác trên sa mạc, tuy thưa thớt nhưng cũng đủ để khẳng định sự sống của sa mạc nơi đây không đơn điệu mà trái lại vô cùng phong phú.

Jumma – bác tài xế là người địa phương chỉ vào một bụi cây dại có lá màu trắng xanh, hình dáng của chiếc lá trông giống như que đũa nhỏ, anh hái một ít lá cây, cho vào lòng bàn tay và bắt đầu nghiền nát, khi những chiếc lá đã nhuyễn, anh cho một ít nước vào lòng bàn tay và xoa nhẹ, rất nhiều bọt màu trắng nổi lên, đấy là cách người dân ở đây dùng để làm xà phòng, một hình thức sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên để tẩy rửa. Vừa sạch, vừa an toàn.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, quan sát những loài cây, để tồn tại được giữa thiên nhiên khắc nghiệt, mỗi loài cây phải có những hình thức tiến hoá để thích nghi, những chiếc lá rộng sẻ biến thành những chiếc lá kim, những chiếc gai, hình những chiếc que đũa tròn, còn nếu giữ lại hình chiếc lá đúng nghĩa thì trên bề mặt của chiếc lá sẻ là vô số những sợi lông li ti cứng như kim. Tất cả chỉ nhằm hạn chế đến mức tối đa sự thoát hơi nước nhằm thích nghi với môi trường khô hạn.

Nhìn ngắm sa mạc dưới ánh ráng chiều tà, cảnh vật nơi đây vắng lặng nhưng đẹp lạ kỳ. Nhìn một bụi cây với hình dạng giống như dây dưa hấu, lúc lắc những quả dưa bé bé xinh xinh bằng lòng bàn tay trông rất ngon.

Thật ngạc nhiên, làm sao dưa hấu có thể mọc ở nơi cát nóng và ít mưa như thế này mà lại cho ra những trái dưa xinh đẹp đến thế. Những chiếc lá xanh mơn mỡn, nhưng chiếc lá không mềm mại mà thô ráp với nhiều chiếc lông tơ cứng.

Chỉ hơi khác ở điểm này, còn hình dáng của quả thì hoàn toàn không phải nghi ngờ, đây là trái dưa hấu.

Sẽ rất mát nếu chúng ta ăn một quả dưa hấu rất tươi giữa sa mạc nóng bỏng. Nhưng  trái này giống như dưa hấu nhưng không ăn được, nếu ăn phải sẽ bị phá huỷ hệ thống đường ruột, bạn sẽ bị tiêu chảy vì bên trong có độc tố.

Đó là lý do vì sao có những dấu chân giẫm trên lá cây, vương vãi một ít phân lạc đà khô gần đấy mà làm sao con người và loài lạc đà có thể làm ngơ với những quả dưa hấu bé bé nhưng rất ngon giữa vùng đất nóng như thế.

Trong cuộc sống nơi khắc nghiệt nếu muốn tồn tại thì cho dù là loài cây cũng cần có một phương tiện, một cách thích nghi với thiên nhiên và đối phó với cả những loài vật cùng sống chung nơi đấy. Để tồn tại, không thể chỉ trông chờ vào số phận và tình thương, mà mỗi bản thân một cá thể phải biết tự trang bị cho mình một hình thức tự vệ.

Nếu không có độc tố thì những trái dưa này đã bị loài lạc đà hay các sinh vật hai chân có tên gọi là con người đã ăn từ lâu, thậm chí là bị ăn trước khi quả kịp chín và có hạt đủ già mà duy trì nòi giống. Tên của trái này là Hamdal, theo cách gọi của người địa phương.

(Nguồn: vyctravel.com)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.