Trứng gà xào hẹ, canh bó xôi gan heo, cháo sâm táo, chè nấm trùng thảo… có thể giúp khắc phục mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, nhanh đuối sức ở người vừa khỏi Covid-19.
Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi, hụt hơi là do phần khí, năng lượng của cơ thể bị tiêu hao trong quá trình chiến đấu với virus gây bệnh, không đủ để vận hành các hoạt động chức năng thông thường. Cơ thể cần được nạp năng lượng với mức độ cao hơn bằng cách ăn uống đa dạng chất, tăng cường đạm động vật, tránh ăn quá no nhưng cũng không để quá đói. Người bệnh nên chia nhỏ lượng thực phẩm và tăng số lượng bữa ăn 5-6 lần một ngày; chế biến món ăn dễ tiêu hóa, nên thái nhỏ, hầm mềm.
Ngoài ra, F0 nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng các loại thảo dược, thực phẩm như nhân sâm, táo đỏ, hoàng kỳ, đảng sâm, hoài sơn, nấm trùng thảo, đương quy, hạt sen, củ sen, đậu đỏ, bí đỏ, thịt bò, thịt dê, trứng, sò huyết…
Cháo sâm khương: 6g bột nhân sâm (hoặc 15-20g bột đảng sâm), gừng tươi 10g, gạo tẻ 100g. Gạo vo sạch, gừng rửa sạch, xắt lát. Cùng gạo và gừng nấu nhừ thành cháo, cho bột nhân sâm vào nấu sôi thêm 5 phút, nêm nếm muối hoặc đường vừa ăn. Ăn nóng, 1-2 lần một ngày, liên tục 7-10 ngày. Công dụng của món này là bồi bổ khí huyết.
Cháo sâm táo: 10g đảng sâm, 12g táo đỏ, gạo nếp 100g, đường trắng vừa đủ. Rửa sạch thuốc, táo đỏ cắt đôi, bỏ hạt, ngâm trong nước 15 phút, sắc lấy nước, bỏ bã. Gạo nếp nấu nhừ thành cháo, hòa nước thuốc, đường vào cháo; hoặc có thể cho cả thuốc và nếp vào hầm nhừ thành cháo, thêm đường vừa đủ, ăn nóng. Ăn 1-2 lần một ngày. Mỗi đợt có thể ăn từ 5-7 ngày liên tục. Công dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường năng lượng.
Cháo kỳ quy: 20g hoàng kỳ sống, 10g đương quy, gạo tẻ 100g, đường cát. Rửa sạch thuốc, sắc nhỏ lấy nước, bỏ bã. Cho gạo vào nước nấu nhừ thành cháo, thêm đường vừa đủ, ăn nóng. Công dụng bồi bổ khí huyết, tăng cường đề kháng.
Canh đương quy, thịt dê: 150-200g thịt thăn hoặc sườn dê, 10g đương quy, 10g táo đỏ, 10g long nhãn, 5g kỷ tử, 3 lát gừng. Sườn hoặc thịt dê thái miếng vừa ăn, luộc sơ bỏ nước. Táo đỏ cắt đôi, bỏ hạt, rửa sạch các nguyên liệu. Cho các nguyên liệu vào nồi, đổ ngập nước, lượng muối hạt vừa đủ, nấu sôi bùng rồi vặn lửa liu riu. Hầm nhừ các nguyên liệu, nêm nếm vừa miệng, ăn nóng với cơm. Công dụng bồi bổ khí huyết, tân dịch, an thần. Ăn từ 7-10 ngày mỗi đợt, tránh dùng cho người thể trạng nhiệt.
Trứng gà xào hẹ: 100g rau hẹ tươi, hai quả trứng gà ta. Rửa sạch hẹ, thái nhỏ, đập trứng gà, thêm ít muối, dầu ăn vào trộn đều, cùng đem xào chín, tắt bếp, rắc thêm ít tiêu. Ăn nóng cùng với cơm. Giúp bổ khí, thông khí, bổ phổi, dễ thở.
Chè nấm trùng thảo: Nấm trùng thảo (được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm) giúp bổ khí và tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Mùi và vị của nấm khá nhẹ nên dễ dàng kết hợp trong nhiều món khác nhau. Kết hợp nấm khi nấu chè đậu đỏ, chè đậu thập cẩm, sâm bổ lượng… Lượng dùng nấm khô từ 0,5-0,7g một người một ngày. Cho nấm vào khoảng 5-10 phút cuối khi món ăn đã gần hoàn thiện. Không dùng nấm trùng thảo cho những người đang có triệu chứng nóng, nhiệt, sốt.
Trà nấm trùng thảo, táo đỏ, kỷ tử: Lượng dùng một ngày cho một người là khoảng 0,5-0,7g nấm trùng thảo khô, 12g táo đỏ, 5-10g kỷ tử. Rửa sạch nguyên liệu, cắt táo đỏ làm 3-4 phần; cùng cho vào bình giữ nhiệt, hãm nước sôi uống trong ngày cho đến khi hết vị, ăn cả xác nếu thích. Món này có thể sử dụng thường xuyên. Công dụng bồi bổ khí huyết, sinh âm dịch, tăng năng lượng, tăng sức đề kháng.
Canh bó xôi gan heo: 100g gan heo (lợn), 30g cải bó xôi, gừng, hành, nước xương hầm (nếu có), gia vị. Gan heo rửa sạch, thái lát, rau bó xôi cắt khúc vừa ăn. Cho hành, gừng vào nước hầm xương nấu sôi, cho gan heo vào nấu chín vừa ăn, bật lửa lớn cho cải bó xôi vào, nấu sôi lên rồi tắt bếp, nêm gia vị vừa miệng. Công dụng bổ máu, thích hợp cho người bị suy nhược cơ thể sau bệnh.
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP KẾT HỢP
Xoa bóp, cứu ấm: Mỗi ngày tự xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ gáy để giúp giảm bớt cơn hồi hộp, căng thẳng, làm dịu thần kinh. Nhờ người nhà dùng tay xoa, day ấn nhẹ nhàng hoặc dùng máy sấy, sấy ấm vào vùng lưng trên, khu vực giữa hai xương bả vai.
Hít thở, vận động: Thực hiện việc hít thở sâu ít nhất một lần mỗi ngày, mỗi lần 10-15 phút. Hít vào ngực nở, bụng căng; thở ra bụng xẹp hết cỡ. Kết hợp vận động toàn thân từ cường độ nhẹ và tăng dần lên, lắng nghe cơ thể, không nên tập quá sức.
Uống thuốc: Bổ sung thêm một số thuốc Đông y thành phẩm như cao, siro, hoàn bổ phổi, ưu tiên dạng nước; thuốc bổ trung ích khí, bát trân…
Nghe nhạc: Nghe các bản nhạc có âm điệu cao vút bi tráng, réo rắt hùng vĩ sẽ giúp cơ thể có cảm giác hưng phấn trong sự an bình, giảm mệt mỏi.
(Nguồn: vnexxpress.net)