Chùa Linh Sơn (tọa lạc tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) hiện đang lưu giữ hai báu vật là hai bức bia đá cổ và tượng Phật bốn tay có niên đại hàng ngàn năm.
Chùa Linh Sơn hay còn gọi là chùa Phật Bốn Tay là một di tích cấp quốc gia và là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của tỉnh An Giang. Theo tìm hiểu, chùa được xây dựng vào năm 1913 (và được trùng tu mấy năm gần đây), cách chợ Vọng Thê khoảng 2 km về hướng đông.
Ngôi chùa được xây dựng và tồn tại hơn một thế kỷ trên gò đất cao, nhiều cây đại thụ bao quanh tạo nên không gian yên tĩnh, thanh tịnh. Hỏi về lý do chùa được thành lập, nhiều người dân địa phương cho biết, vào năm 1913 phát hiện một pho tượng Phật bốn tay cao 1,7 m nằm sâu trong lòng đất tại khu vực gần chợ Ba Thê. Đồng thời, trước đó cũng tìm thấy hai tấm bia bằng đá bùn cao khoảng 1,8 m, dày khoảng 0,22 m có khắc chữ cổ. Vì lẽ đó, người dân quanh vùng gom góp tiền của và chung tay xây dựng ngôi chùa này để tôn thờ tượng Phật và gìn giữ bia đá cổ.
Năm 1988, chùa Linh Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Lưu giữ hai báu vật quý
Năm 2012, chùa lại được liệt là một loại hình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê đã được Thủ tướng Việt Nam xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2012. Trong Hồ sơ xếp hạng di tích của Cục Di sản văn hóa có đoạn viết:
Linh Sơn tự (chùa Linh Sơn) được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Trong chùa hiện đang lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá trị.
Theo một số nhà chuyên môn, thì cả hai cổ vật này có niên đại vào khoảng từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên.
Theo giới nghiên cứu, chùa Linh Sơn được xây dựng trên nền của một nền văn hóa cổ khá rộng lớn. Nơi đây và xung quanh khu vực này đã từng được khai quật và phát hiện nhiều vật bằng đá có giá trị của nền văn hóa Óc Eo cổ.
Tượng Phật Bốn Tay – Ảnh: Tam Anh
Qua đối chiếu với lịch sử tồn tại và suy vong của Vương quốc Phù Nam, các học giả, các nhà khảo cổ đã đưa ra nhận định: Chùa Linh Sơn và khu vực phía Đông núi Ba Thê từng là chốn cung đình của các vị vua cuối thời Phù Nam sau khi kinh đô Angkor Borei bị Chân Lạp xâm chiếm vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên.
Khi đến Chùa Linh Sơn, đa phần mọi người đều ngạc nhiên khi đứng trước tượng Phật bốn tay. Vì trong truyền thuyết Phật giáo xưa nay chỉ có Phật 18 tay, tức Phật nghìn tay nghìn mắt “thiên thủ thiên nhãn” chứ không có Phật bốn tay. Song theo các nhà khảo cổ học, tượng Phật bốn tay chính là tượng thần Vishnu có cùng niên đại với tượng Bà Chúa xứ ở Núi Sam và đều thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Đối với 2 bia đá cổ, chữ khắc vẫn còn khá rõ nét, nhưng nội dung của nó luôn là một thách đố đối với các nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước. Bia đá phát hiện năm 1879, làm bằng chất liệu đá sa thạch đen, có nhiều vân trên bề mặt, trong đó 1 bia phía bên trái (từ cửa chánh điện nhìn vào) có chạm khắc chữ cổ.
Theo các nhà khảo cổ, chữ khắc trên bia đá có thể là chữ của dân tộc Phù Nam có cùng nguồn gốc với chữ Brami của người Ấn Độ, được sử dụng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V và cùng một loại chữ đã khắc trên những thạch thư, thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo được tìm thấy trong quá trình khai quật và sưu tầm.
(Nguồn: phatgiao.org.vn)