Thế giới tâm linh – phần 3

Tạo hóa đã bày đặt cho con người một nghịch lý vĩ đại mà con người từ khi xuất hiện cho đến mai sau, dù màu da gì, dân tộc nào và sống bất cứ đâu trên trái đất đều phải vượt qua. Nhưng sự thật không bao giờ vượt qua được.

Như vậy từ thời ăn lông ở lỗ cho đến hôm nay, loài người dù sống bất cứ nơi đâu, thuộc bất cứ dân tộc nào đều xác lập hai thế giới: Thế giới trần gian bên này và thế giới tâm linh bên kia. Thế giới tâm linh trước hết là thế giới của thần thánh. Ở đấy có hai loại thần: Nhân thần và tự nhiên thần. Đồng thời có sự chuyển hóa theo hướng “nhân hóa” các vị thần tự nhiên.

Tất cả những thần linh này ở trong thế giới tâm linh vô hình, huyền bí đều được con người xây dựng thành những biểu tượng và được hiện diện trong các lễ hội. Nơi đó con người làm lễ để thông qua với thần thánh, mở hội xây dựng quan hệ cộng cảm trong cộng đồng dưới sự chứng giám của thần linh. Vì thế trong phần lễ bao giờ cũng có các chất thiêng và sự xuất thần. Còn trong phần hội luôn luôn phải vui và thăng hoa, nó là sự thể hiện mối quan hệ giữa “đạo và đời”.

Để giao tiếp với thần linh, con người đã “mượn” những “vật thiêng” làm trung gian. Đó là những người thiêng (thầy cúng, ông mo, bà đồng . . . ), những vật thiêng (mặt nạ, con rối. . . .) những lời thiêng (bùa chú), những hành vi mô phỏng hay dọa nạt, những điệu múa phấn khích, những lời tụng ca. Những thứ này đều được cách điệu hóa mang tính biểu tượng cao. Kèm theo những hành vi là ma thuật với những năng lực đặc biệt: Dẫm chân lên lưỡi cày nung đỏ, xuyên sắt qua cổ, qua bụng; phun ra lửa, dùng nước thánh chữa bệnh. . . .

Theo C.A Van Peurson, nhà triết học Hà Lan, thì trong nền văn minh nông nghiệp, khi con người và tự nhiên cùng với thế giới thần linh còn hòa đồng chưa có sự cách biệt thì vật siêu nghiệm có ở khắp nơi cùng với tồn tại xã hội. Thế giới là hiện thân của thần thánh.

Ta gọi đó là văn hóa thần thoại, một nền văn hóa mở, trong đó con người gia nhập vào thần lực của vũ trụ bằng những câu chuyện và những biểu trưng. Khi ma thuật, phù phép xuất hiện cùng với thầy phù thủy nhằm biến quyền lực của một cá nhân, một thứ độc tài thì mô hình văn hóa trở nên khép. Con người chìm đắm trong mê muội, trong sự sợ hãi đối với ma thuật.

GS.TS. Phạm Đức Dương
Viện nghiên cứu Đông Nam Á
(Nguồn Ban Tôn giáo Chính phủ)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.