Tạo hóa đã bày đặt cho con người một nghịch lý vĩ đại mà con người từ khi xuất hiện cho đến mai sau, dù màu da gì, dân tộc nào và sống bất cứ đâu trên trái đất đều phải vượt qua. Nhưng sự thật không bao giờ vượt qua được.
Ngày nay với tư duy khoa học, người ta muốn xây dựng một ngành học mới ngành tâm linh học để tiếp cận với thế giới bên kia. Người ta dựa vào các cứ liệu sau:
– Câu chuyện kể lại của những người cận tử – những người chết đi sống lại. Đó là những điều mà họ đã gặp trong thời gian hồn rời khỏi xác.
– Tư liệu về những hiện tượng đầu thai tái sinh. Ví như báo chí đã nói tới một số hiện tượng tái sinh của em bé ở Bá Thước tỉnh Thanh Hóa. Những người này đã kể rất rõ về lai lịch cuộc sống trước kia của họ và những dấu vết cũ được ghi lại trên hình hài, tính cách trong cuộc sống tái sinh.
– Những tư liệu sưu tầm và phân tích những giấc mơ (như là giấc mơ báo tin của Lômônôxốp và việc nhà bác học này tìm được xác cha; giấc mơ của Đan – nhà triết học Anh về hạm đội của Napoléon bị đắm 4000 người chết gần đảo Hêlen, sau đó thành hiện thực nhưng chỉ có 400 người chết, những giấc mơ báo tin của người đã khuất . . . )
– Tư liệu về những người có khả năng xuất hồn và nhập hồn (xung quanh những việc tìm mộ của những nhà ngoại cảm, những cuộc nói chuyện với người đã chết qua một người sống – mà ở Việt Nam gọi là “lên đồng” . . . )
– Thế giới ma và những căn nhà có ma . . .
Thời nào cũng có và ngày nay lại càng nhiều câu chuyện được kể gây cho con người một tâm trạng “bán tín bán nghi”. Tuy nhiên chúng ta cần phải lưu ý hai điều: một là, chúng ta phải tỉnh táo chống mê tín dị đoan và những kẻ lợi dụng đức tin để kiếm lợi và lừa dối quần chúng để thực hiện những ý đồ đen tối của chúng; hai là, nếu giả thiết rằng có một thế giới bên kia, thì muốn tiếp cận được chắc chắn người ta không thể dùng những phương pháp khoa học như chúng ta đang dùng hiện nay. Mà phải có một hệ thống phương pháp khác.
Mọi suy luận của chúng ta về thế giới bên kia chỉ là những suy luận theo cảm thức đối xứng: bên này có gì thì bên kia có nấy, khác chăng bên kia là một thế giới ảo và ở đó chính là miếng đất của trí tưởng tượng.
Con người chỉ có thể bằng trực cảm, bằng trải nghiệm mà cảm nhận được, chứ không thể lý giải được. Vì thế Hegel mới gọi tôn giáo là cái không giải thích được. Do vậy, những lý giải về thế giới bên kia, chúng ta có thể coi như những giả thiết chưa được kiểm chứng. Cuối cùng thì tin hay không tin là quyền của mỗi người, nhưng đã là con người thì ai cũng rất bận tâm đến thế giới tâm linh và khát vọng hướng tới nó./.
GS.TS. Phạm Đức Dương
Viện nghiên cứu Đông Nam Á
(Nguồn Ban Tôn giáo Chính phủ)