Từ đạo hiếu truyền thống, nghĩ về đạo hiếu ngày nay – phần 3

“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức.

Như vậy, về cơ bản, nội dung phạm trù hiếu mang một ý nghĩa tích cực, bắt nguồn từ tình cảm xa xưa – đó là phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Đây cũng là tình cảm và yêu cầu đạo đức có ý nghĩa phổ biến phù hợp với mọi dân tộc, trước hết là các dân tộc phương Đông, trong đó có Việt Nam. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi lại biết bao tấm gương hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy vậy, đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có những nét độc đáo riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo. Ngay cả những người thuộc tầng lớp trên, được đào tạo Nho giáo một cách đầy đủ, họ cũng tiếp biến đạo hiếu song đã biến đạo hiếu trở thành giá trị và chuẩn mực đạo đức mang bản sắc Việt Nam.

Chẳng hạn, dưới triều Trần, trước khi lâm chung, Trần Liễu nhắc con phải báo thù cho ông. Tuy vậy, Trần Quốc Tuấn đã bỏ đi hiềm khích riêng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, không nghe lời cha, giữ hoà khí với Trần Quang Khải, anh em đồng lòng đánh thắng giặc Mông – Nguyên, báo hiếu cho xã tắc.

Vào thời Minh xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đưa về Chi Lăng, Nguyễn Trãi đã theo khóc đến tận ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh nói: “Con phải trở về mà lo báo thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì”. Vâng lời cha, Nguyễn Trãi trở về, ngày đêm lo việc phục thù, bày kế giúp Bình Định Vương đánh thắng quân xâm lược.

Dưới thời Nguyễn, Phan Bội Châu nuôi chí lớn của cha, gắng sức học tập, thi đỗ giải nguyên để người cha đang hấp hối trên gường bệnh được yên lòng nhắm mắt ra đi. Ông đã mở rộng đạo hiếu với cha ra đạo hiếu đối với dân tộc, giống nòi, hoạt động cách mạng và trở thành nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ XX.

Trong dân gian, đạo hiếu được thể hiện ngay trong những lời ru từ khi con người mới sinh ra, còn nằm trong nôi:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Nội dung chữ hiếu trong dân gian đơn giản, thiết thực, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được, chỉ cần có tấm lòng hiếu thảo thực tâm. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc các thế hệ sau…

Truyền thống giữ đạo hiếu của dân tộc được kế thừa và nâng cao trong tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh. Trung và hiếu là hai phạm trù đạo đức được Hồ Chí Minh sử dụng cặp đôi với nhau và coi như chuẩn mực cao nhất trong hành vi của con người. “Trung với nước, hiếu với dân” – trong tư tưởng Hồ Chí Minh, phạm trù hiếu không còn bó hẹp trong phạm vi trọn đạo làm con với cha mẹ mình, mà ở đây là hiếu thảo với nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Không chỉ thương yêu cha mẹ mình mà còn phải thương yêu cha mẹ người.

Người khẳng định: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc, phong kiến dày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa” (8).

—————————————–

(8) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 60.

(Nguồn: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP 

Quý khách hàng vui lòng liên hệ Hotline : (02973) 792 279 - 0931 884 545 hoặc cung cấp thông tin theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dự án Hoa viên Vĩnh Hằng.